Phẫu thuật thay khớp háng được bảo hiểm chi trả thế nào?

06/10/2020 10:16 AM


(Chinhphu.vn) – Anh trai của ông Quang Hiên (TPHCM) năm nay 40 tuổi, bị khuyết tật nặng, được cấp thẻ BHYT dành cho người khuyết tật nặng. Ông Hiên hỏi, anh trai của ông muốn thay 2 bên khớp háng thì có được BHYT chi trả không?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Theo thông tin ông Hiên cung cấp và căn cứ quy định tại Khoản 8 Điều 3, Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, Điểm b Khoản 1 Điểu 44 Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 thì anh trai của ông thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, được ngân sách nhà nước đóng BHYT và có mức hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng BHYT khi đi khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định (khám, chữa bệnh đúng tuyến, xuất trình đúng đủ thủ tục) và có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Khớp háng toàn phần hoặc bán phần được quỹ BHYT thanh toán theo số lượng vật tư y tế thực tế sử dụng cho người bệnh Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT và phụ lục ban hành kèm theo Thông tư thì khớp háng toàn phần hoặc bán phần được quỹ BHYT thanh toán theo số lượng vật tư y tế thực tế sử dụng cho người bệnh, theo giá mua vào cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu và không cao hơn mức tương ứng là 45 triệu đồng/1 bộ khớp háng toàn phần, hoặc 35 triệu đồng/1 bộ khớp háng bán phần.

Như vậy, trường hợp anh trai của ông khi khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định, được bác sĩ chỉ định thay khớp háng sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, khớp háng thay thế, thuốc, hóa chất… trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT theo quy định hiện hành.

Theo http://baochinhphu.vn