Hồ sơ BHYT có cần giấy xác nhận của bệnh viện sau mỗi đợt điều trị?
12/08/2020 08:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(Chinhphu.vn) – Vừa qua, bà Nguyễn Thị Minh Châu (Cần Thơ) liên hệ với bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại cơ quan BHXH để được hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm cho người tham gia BHYT 5 năm liên tục.
Hồ sơ không yêu cầu phải có giấy xác nhận của bệnh viện sau mỗi đợt điều trị
Theo trả lời của cơ quan BHXH, ngoài thẻ BHYT, Chứng minh nhân dân, các hoá đơn, biên lai có xác nhận của bệnh viện thì bà còn phải có giấy xác nhận của bệnh viện sau mỗi đợt điều trị ngoại trú hoặc giấy xác nhận của bệnh viện xác nhận tất cả các đợt điều trị ngoại trú.
Bà Châu hỏi, giấy xác nhận của bệnh viện có bắt buộc phải có trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, đối với trường hợp người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh của những lần đi khám, chữa bệnh đúng tuyến lớn hơn 6 tháng lương cơ sở:
- Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả của một lần hoặc nhiều lần khám, chữa bệnh tại cùng cơ sở khám, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì cơ sở khám, chữa bệnh không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở của người bệnh. Cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
- Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau hoặc cùng một cơ sở khám, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở và xác nhận Giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
Hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp và cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm bao gồm:
- Bản chụp (bản kèm gốc để đối chiếu): Thẻ BHYT, Giấy chứng minh thân nhân có ảnh hợp lệ; Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám, chữa bệnh trong năm có hóa đơn thu chi phí khám, chữa bệnh cùng chi trả;
- Bản chính hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Trường hợp người tham gia BHYT chi đề nghị cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, nếu có nhu cầu sử dụng hóa đơn, biên lai bản chính vào mục đích khác, cơ quan BHXH sẽ chụp hóa đơn, biên lai và ký xác nhận trên bản chụp, trả bản chính cho người tham gia BHYT.
Trường hợp người tham gia BHYT làm thất lạc hóa đơn, biên lai bản chính thì nộp bản chụp hóa đơn, biên lai hoặc bản chụp bản hóa đơn, biên lai có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh nơi người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh hoặc bảng kê chi phí khám, chữa bệnh (theo Mẫu số 01/BV, 02/BV).
Như vậy, nếu bà đến cơ quan BHXH để đề nghị cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm thì hồ sơ không yêu cầu phải có giấy xác nhận của bệnh viện sau mỗi đợt điều trị ngoại trú hoặc giấy xác nhận của bệnh viện xác nhận tất cả các đợt điều trị ngoại trú.
Theo http://baochinhphu.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Ra quân tuyên truyền tại thôn/khu phố điểm
Tặng quà cho bệnh nhân có thẻ BHYT Xuân Giáp Thìn 2024
Lễ ra quân hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam 01/7
Nữ viên chức BHXH tỉnh hưởng ứng tuần lễ áo dài