Tổ chức livestream về BHXH, BHYT: Cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ (Bài 01)

25/05/2020 02:18 PM


Những tháng đầu năm 2020, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. “Trong cái khó, ló cái khôn”, nhiều BHXH và Bưu điện tỉnh đã phối hợp triển khai hình thức tuyên truyền BHXH, BHYT trên mạng xã hội thông qua việc tổ chức livestream, bước đầu gợi mở một cách làm mới. Khảo sát, đánh giá hình thức truyền thông này để từ đó đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả là việc làm cần thiết.

Bài 1. Thực trạng tổ chức livestream về BHXH, BHYT thời gian qua

Trước khi có dịch bệnh, việc tuyên truyền, phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được triển khai theo hình thức tuyên truyền trực tiếp, tại các hội nghị khách hàng hoặc cán bộ BHXH và Bưu điện đến tuyên truyền tại nhà dân, tại các khu chợ, cửa hàng buôn bán nhỏ,... Trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019, nhờ sự quyết liệt của toàn Ngành BHXH và hệ thống đại lý thu, trong đó Bưu điện là nòng cốt, đại lý xã, hội phụ nữ, hội nông dân,.v.v... công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt là BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc với số người tham gia bằng tổng số phát triển của 10 năm trước đó, kể từ khi chính sách BHXH tự nguyện bắt đầu được triển khai. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện; tỷ lệ tham gia BHYT đạt gần 90% dân số.

Kết quả khả quan đó là tiền đề để chúng ta có quyền hy vọng vào một bứt phá mới trong năm 2020, nhằm sớm hiện thực hóa các mục tiêu đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân đã được đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, sự phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có công tác BHXH, BHYT, đặc biệt là công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Trong 02 tháng 02 và tháng 3/2020, thời điểm cao trào của dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới và là thời điểm mang tính quyết định đến “cuộc chiến” chống dịch của Việt Nam, việc phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gần như “đóng băng”, đó là chưa kể có không ít người đang tham gia BHXH tự nguyện không tiếp tục đóng phí do gặp khó khăn khi mất việc làm vì dịch bệnh. Cao điểm là khoảng thời gian từ 01/4 đến 22/4/2020, khi Việt Nam thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, các hoạt động truyền thông trực tiếp BHXH, BHYT hoàn toàn dừng lại.

Nhận thức tình hình dịch bệnh có thể có những diễn biến phức tạp, không thể thụ động ngồi chờ hết dịch mới triển khai nhiệm vụ, ngay trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhiều cơ quan BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh đã phối hợp triển khai các chương trình livestream tuyên truyền về BHXH, BHYT trên mạng xã hội Facebook đến đông đảo khách hàng, người dân trên cả nước. Với tính chất là một mạng xã hội có đông người dùng nhất hiện nay tại Việt Nam, tính tương tác trực tuyến cao, việc sử dụng mạng xã hội Facebook vào truyền thông chính sách BHXH, BHYT đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Theo thống kê từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, tính đến nay, các đơn vị trong toàn hệ thống đã phối hợp thực hiện 55 chương trình livestream tuyên truyền chính sách, trong đó 50 chương trình về BHXH tự nguyện và 05 chương trình về BHYT. Các chương trình đa số được tổ chức vào khung giờ được đánh giá là khung giờ  “vàng” theo thang điểm của các chương trình truyền hình (từ 08 giờ tối các ngày trong tuần), thu hút tổng cộng gần 700.000 lượt người xem và 100.000 lượt tương tác (bao gồm like, share và comment) trực tuyến, trung bình có gần 13.000 lượt người xem và trên 1.800 lượt tương tác/1 chương trình. Do chương trình được lưu lại trên Fanpage của Bưu điện và BHXH các tỉnh nên sau khi kết thúc, vẫn tiếp tục thu hút người xem với tổng số trên 100.000 người.

Ngay tại các buổi livestream, chương trình đã thu hút hơn 1.300 khách hàng đăng ký tham gia, trung bình mỗi chương trình có hơn 23 người tham gia. Một số địa phương phát triển tốt đối tượng tham gia BHXH, BHYT qua việc tổ chức livestream như: TP. Hồ Chí Minh phát triển được 415 người tham gia BHXH, Hà Tĩnh: 334 người, Hà Nội 333 người, Yên Bái: 300 người…

Với lợi thế của “không gian mở” trên mạng xã hội, hình thức livestream về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình không khống chế số người tham gia cho 01 lần tổ chức (điều thường bị giới hạn khi tổ chức các hội nghị trực tiếp bởi không gian hội trường, số bàn tư vấn và số lượng tư vấn viên,...); việc tương tác trực tiếp giúp đại lý và khách hàng tiềm năng trao đổi được kỹ càng hơn về chính sách, những băn khoăn, lo lắng của người tham gia. Những tương tác trực tiếp không chỉ có tác dụng với 01 khách hàng được tư vấn mà có giá trị truyền thông với tất cả người tham gia livestream và hơn thế, với cả những người không tham gia trực tiếp mà chỉ xem lại livestream được lưu lại trên Fanpage. Đối với những khách hàng muốn bảo mật thông tin, hệ thống tương tác trên Messenger hỗ trợ khá hiệu quả. khách hàng sẽ được tư vấn kỹ càng, chu đáo, không kém gì khi tuyên truyền trực tiếp.

Bài 2. Livestream BHXH, BHYT: Nhìn từ con số khảo sát

Bài 3. Để livestream BHXH, BHYT phát huy hiệu quả

ThS. Dương Ngọc Ánh

ThS. Đường Mỹ Hạnh

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn