Hướng tới sự đổi mới, hoàn thiện Luật BHXH cho người lao động

14/02/2020 09:14 AM


Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) có  hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã được cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Các chế độ, quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động ngày càng được đảm bảo cũng như quy định tốt hơn trách nhiệm của từng đối tượng, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Luật BHXH (sửa đổi) ra đời đã giải quyết kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người lao động qua việc mở rộng, nâng cao các chế độ và mức hưởng. Cụ thể đối với chính sách BHXH bắt buộc, Luật đã bổ sung, mở rộng điều kiện hưởng đối với chế độ ốm đau trong trường hợp lao động bị ốm dài ngày trong tháng đầu bắt đầu làm việc. Về chế độ thai sản, bổ sung chế độ hưởng đối với lao động nam, lao động nữ mang thai hộ, nâng cao mức hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 25% lên 30% mức lương cơ sở cho 1 ngày; bổ sung quy định lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Đối với chế độ hưu trí, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hưu trí đối với cán bộ xã không chuyên trách là nữ có thời gian công tác từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì được hưởng chế độ hưu trí. Mặc khác, Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định rõ về chế độ tử tuất, bổ sung về việc được lựa chon hướng chế độ tử tuất 1 lần và hàng tháng; đồng thời, thủ tục, quy trình, thời gian giải quyết hưởng các chế độ BHXH ngày càng đươc cải cách  hành chính theo hướng đơn giản về thủ tục, đơn giản quy trình, rút ngắn thời hạn giải quyết.

Đối với chính sách BHXH tự nguyện, Luật BHXH (sửa đổi) bỏ quy định về giới hạn tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện để tạo điều kiện cho những người từ đủ 45 tuổi trở lên đối với nam, 40 tuổi trở lên đối với nữ được tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, Luật đã giảm mức sàn thu nhập thấp nhất làm căn cứ đóng BHXH từ mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) xuống bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở để phù hợp với khả năng tham gia của người dân. Đồng thời, Luật còn quy định nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện.

Mặc dù có nhiều đổi mới ưu việt so với quy định về BHXH trước đây, tuy nhiên Luật BHXH (sửa đổi) vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được bổ sung, sửa đổi.

Thứ nhất về chính sách BHXH bắt buộc. Với chế độ ốm đau, đối với 1 số doanh nghiệp làm theo chế độ khoán hoặc ca thì có trường hợp người lao động đề nghị thanh toán nửa ngày nhưng theo quy định của Luật BHXH thì thanh toán theo ngày. Chứng từ làm căn cứ giải quyết chế độ thai sản do sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý 1 số trường hợp y bác sĩ điều trị của cơ sở y tế không chi rõ tuần thai hoặc không có chỉ định nghỉ rất khó khăn trong giải quyết chế độ cho người lao động. Hiện nay, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thì thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động rất đơn giản do vậy rất khó khăn cho việc xác định đủ điều kiện giải quyết chế độ tai nạn lao động. Mặt khác, khi hậu kiểm phát hiện nhiều trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động như thiếu quyết định thành lập đoàn điều tra; không thực hiện bồi thường tai nạn theo mức suy giảm khả năng lao động cho NLĐ, chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị tai nạn lao động ... nhưng không có văn bản nào quy định xử lý đối với trường hợp này. Đối với chế độ hưu trí thì trường hợp người lao động có thời gian tham gia BHXH bắt buộc đủ 20 năm trong đó có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc theo chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì lương hưu không được bù đủ bằng mức lương cơ sở.

Thứ hai, về chính sách BHXH tự nguyện. Hiện nay chúng ta đang khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên, chế độ cho người tham gia chưa thật sự ưu việt: Đối với những người tham gia BHXH tự nguyện, nữ từ đủ 45 tuổi trở lên, nam từ đủ 50 tuổi trở lên đã có thời gian tham gia BHXH đủ 20 năm, hiện tại sức khỏe rất yếu, nhưng không được đi giám định để nghỉ hưu; người tham gia BHXH tự nguyện thiếu không quá 06 tháng được đóng BHXH một lần để đủ điều kiện nghỉ hưu thì hưởng sau tháng đóng, còn người tham gia BHXH bắt buộc thì được hưởng ngay tháng đóng; người tham gia BHXH bắt buộc có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên nếu hưởng lương hưu mà thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết thì được bù đủ bằng lương cơ sở nhưng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thì không được.

Thứ ba, về BHXH một lần, hiện nay số lượng hồ sơ giải quyết hưởng BHXH 1 lần ngày càng gia tăng. Nếu theo xu hướng như hiện nay thì mục tiêu an sinh xã hội theo Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành trung ương chưa đạt hiệu quả cao, cuộc sống của người lao động khi về già có nguy cơ không được đảm bảo. Thiết nghĩ, cần thiết nên có sự sửa đổi quy định về điều kiện hưởng, mức hưởng BHXH phù hợp để người lao động cẩn trọng suy xét trước khi giải quyết hưởng BHXH 1 lần và tích luỹ thời gian tham gia BHXH để nhận lương hưu khi hết tuổi lao động.

Luật BHXH (sửa đổi) sau gần 4 năm triển khai đã thể hiện rõ tính ưu việt và nhân văn mang lại cho người lao động nên cần thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn nữa theo hướng mở rộng và nâng cao quyền lợi để chính sách BHXH thực sự đi vào cuộc sống, là chỗ dựa vững chắc cho mọi người lao động.

Trương Thị Phượng