Chuẩn mực đạo đức của người cán bộ làm giám định BHYT, học tập theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”

10/01/2017 10:27 AM


Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực hiện công tác khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT là trách nhiệm của ngành y tế - đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thanh toán chi phí KCB BHYT với cơ sở y tế là trách nhiệm của cơ quan BHXH. Cán bộ giám định BHYT thường trực tại cơ sở KCB – đại diện của cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở KCB đảm bảo, bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân có thẻ BHYT.

Nền tảng để thành công của việc giám định BHYT là trách nhiệm, y đức, như lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” gắn liền với hai chuẩn mực đạo đức là đạo đức nghề y và đạo đức nghề giám định BHYT.

Để làm theo lời dạy của Bác, bản thân mỗi giám định viên BHYT cần phải có đạo đức nghề nghiệp gắn liền với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành. Cụ thể là có đủ năng lực quan hệ, làm việc với lãnh đạo các cơ sở KCB, lãnh đạo các khoa, phòng và cán bộ viên chức của bệnh viện. Bởi họ là những người có trách nhiệm thực hiện các chính sách y tế đúng với quy định, có kiến thức sâu rộng về y tế, chính sách an sinh xã hội, quản lý kinh tế y tế, tự trang bị cho mình kiến thức về tài chính, tin học để phân tích, nhận xét đánh giá tổng thể các chi phí cho bệnh nhân BHYT trong mỗi khoa, phòng để tìm ra các nội dung, vấn đề chưa hợp lý, vướng mắc; nâng cao hoạt động KCB, sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân đối với thầy thuốc, bệnh viện và chính sách BHYT mà Đảng và Nhà nước đề ra.

Từ những năm đầu xây dựng đất nước, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt tới sự phát triển của nền y tế nước nhà, nhất là trong vấn đề về y đức. Kế thừa truyền thống đạo đức y học của dân tộc và những giá trị đạo đức của nền y học thế giới, Người đã đưa ra những quan điểm cụ thể về y đức của người thầy thuốc Việt Nam, được ngành y tế coi là phương châm chỉ đạo cho sự phát triển của nền y tế nước nhà.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu” được biểu hiện trước hết là người thầy thuốc phải có lương tâm và trách nhiệm cao với người bệnh như người mẹ đối với con của mình. Lương tâm của người thầy thuốc trong quan hệ với người bệnh thể hiện ở hành vi đạo đức và tình cảm đạo đức. Lương tâm có chức năng tự đánh giá hành vi đạo đức của con người nên nó vừa là hiện tượng tình cảm, vừa là hiện tượng trí tuệ. Lương tâm nghề nghiệp trong sáng là cơ sở để hoàn thành những đức tính cần phải có của người thầy thuốc đối với người bệnh. Qua nghiên cứu những quan điểm của Người về y đức, cán bộ, đảng viên làm công tác giám định BHYT rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác trong giai đoạn hiện nay là:

Một là, cấp ủy, lãnh đạo Phòng Giám định BHYT tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện tốt lời dạy của Bác về đạo đức nghề nghiệp ngành y, liên hệ vận dụng đối với công tác giám định BHYT.

Hai là, xây dựng nề nếp làm việc khoa học, chuẩn hóa, đơn giản thủ tục nhưng đảm bảo các nguyên tắc, quy chế quy định; nâng cao ý thức trách nhiệm hết lòng phục vụ nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu, bảo đảm việc thực hiện và học tập lời dạy của Bác đối với người làm công tác giám định BHYT thực sự đi vào cuộc sống, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ba là, đưa nội dung “Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp” vào nội dung sinh hoạt định kỳ của Chi bộ, của phòng, kịp thời biểu dương khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc và rút kinh nghiệm những việc chưa làm được.

Bốn là, Chi bộ xây dựng chuẩn mực đạo đức, có cơ chế đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hành chuẩn mực đạo đức của từng cán bộ, đảng viên để việc học tập tấm gương của Bác thực sự đi vào cuộc sống, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

 

      Phó Giám đốc BHXH tỉnh

 

     Bs. Trương Thế Vinh