Tham gia BHYT & Sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi ở Việt Nam: Nhìn từ các cuộc điều tra hộ gia đình

22/06/2016 01:58 PM




Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 – 2016), Việt Nam đã vươn lên từ một trong những quốc gia nghèo nhất vào những năm 1980 để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7% giai đoạn 1990–2013 đã tăng thu nhập bình quân đầu người từ 98 đô-la Mỹ vào năm 1990 lên gần 2.500 đô-la Mỹ năm 2015 (Tổng cục Thống kê). Cùng với thành tựu trong lĩnh vực kinh tế, hệ thống y tế cũng phát triển với những tiến bộ ở các góc độ quan trọng như số lượng đơn vị y tế cấp cơ sở tăng, tỷ suất tử vong ở trẻ em giảm, tuổi thọ trung bình tăng. Cũng trong thời kỳ này, Việt Nam trải qua giai đoạn quá độ dân số rất nhanh, hướng đến già hóa dân số. Dự báo của Tổng cục Thống kê (2011), LHQ (2015) đều chỉ ra rằng, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ rất nhanh. Việt Nam chỉ mất chưa tới 20 năm để chuyển từ dân số “bắt đầu già” sang dân số “già”, trong khi nhiều quốc gia phát triển phải mất từ 50 năm tới gần 120 năm. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thậm chí còn được dự báo là sẽ diễn ra nhanh hơn cả Thái Lan và Nhật Bản, tương ứng mất 22 năm và 26 năm để chuyển từ “bắt đầu già” sang “già” (UNFPA, 2011). Các báo cáo phân tích dân số - phát triển ở Việt Nam đều quan ngại với việc Việt Nam có thể phải đối mặt với thách thức “chưa giàu đã già” (UNFPA, 2011, Trần Văn Thọ, 2015).

Cùng với sự biến đổi cơ cấu tuổi dân số theo hướng già hóa dân số nhanh, mô hình bệnh tật của người cao tuổi Việt Nam cũng đang thay đổi nhanh chóng từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và mãn tính. Ước tính chi phí khám, chữa bệnh trung bình của một người cao tuổi cao gấp 7-8 lần một trẻ em. Hệ thống y tế, trong đó có hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và hệ thống nghiên cứu lão khoa, dù đã được đầu tư trong những năm gần đây nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, cũng như giảm chi tiêu y tế đối với mọi người dân, trong đó có người cao tuổi, Việt Nam đã áp dụng BHYT từ năm 1992. Tính đến năm 2014, khoảng 70% tổng dân số đã có BHYT. Riêng người cao tuổi, tỷ lệ bao phủ là 74%, nghĩa là 26% người cao tuổi không có bất kì loại BHYT nào. Tỷ lệ này có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, khi Việt Nam tuyên bố mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020. Câu hỏi đặt ra là việc tham gia BHYT của người cao tuổi đã có tiến triển như thế nào trong những năm qua và người cao tuổi sử dụng BHYT trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như thế nào?

Tình hình tham gia BHYT của người cao tuổi Việt Nam

Việc tham gia BHYT của người cao tuổi tăng lên đáng kể theo thời gian, từ 38,1% (năm 2006) lên đến 70,5% (năm 2012). Đặc biệt, tỷ lệ này tăng từ 30,8% lên đến 80,6% với nhóm người cao tuổi dân tộc thiểu số, từ 33,3% lên đến 76,4% với nhóm người cao tuổi thuộc hộ nghèo. Đây là kết quả của chính sách mở rộng diện bao phủ BHYT đối với nhóm yếu thế được thực hiện bởi Chính phủ trong thời gian qua. BHYT người nghèo, cận nghèo, chính sách và loại miễn phí chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 55%). Trong đó, 87,39% người cao tuổi nghèo có BHYT thuộc hai loại hình trên so với 47,77% của nhóm không nghèo, và có đến 88,38% người cao tuổi dân tộc thiểu số có BHYT thuộc hai loại hình trên so với 50,58% của nhóm người cao tuổi dân tộc Kinh, Hoa. Hai loại hình BHYT bắt buộc và tự nguyện là “bức tranh” tương phản, nhóm người cao tuổi thuộc dân tộc Kinh, Hoa, thành thị, không nghèo có tỷ lệ cao hơn đáng kể tương ứng so với nhóm người cao tuổi thuộc dân tộc thiểu số, nông thôn, nghèo. Thực trạng này phản ánh tính ưu việt trong thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam, đó là ưu tiên cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người cao tuổi.

Về sử dụng dịch vụ y tế, số lần khám trung bình và chi phí trung bình mỗi lần khám, chữa bệnh của người cao tuổi có thẻ BHYT theo các đặc trưng kinh tế - xã hội khi sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú. Không có sự khác biệt nhiều về tỷ lệ khám, chữa bệnh và số lần khám, chữa bệnh nội trú trung bình giữa các nhóm dân số cao tuổi có BHYT. Nhưng có sự khác biệt đáng kể về số lần khám, chữa bệnh ngoại trú trung bình và chi phí trung bình cho mỗi lần giữa các nhóm. Ví dụ, nhóm người cao tuổi dân tộc Kinh, Hoa có số lần khám, chữa bệnh ngoại trú trung bình là 2,87 lần/năm so với 1,82 lần/năm của nhóm người cao tuổi dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chi phí tiền túi trung bình khám, chữa bệnh cả ngoại trú, nội trú của nhóm người cao tuổi dân tộc Kinh, Hoa, người sống ở thành thị và người không nghèo cao hơn đáng kể so với nhóm người cao tuổi dân tộc thiểu số, người sống ở nông thôn và người nghèo. Chẳng hạn, chi phí trung bình cho mỗi lần khám, chữa bệnh nội trú của người cao tuổi dân tộc Kinh, Hoa là 4.696.000 đồng, cao gấp khoảng 4,8 lần so với chi phí trung bình cho mỗi lần khám, chữa bệnh nội trú của người cao tuổi dân tộc thiểu số là 967.000 đồng. Nhìn tổng thể, mặc dù có thẻ BHYT nhưng chi phí trung bình cho mỗi lần khám, chữa bệnh của người cao tuổi còn khá cao với mức trung bình cho mỗi lần khám, chữa bệnh ngoại trú là 901.000 đồng và cho mỗi lần khám, chữa bệnh nội trú là 4.166.000 đồng. Chi tiêu tiền túi cao cho dịch vụ y tế là nguyên nhân giải thích tại sao nhóm người cao tuổi yếu thế có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế lại thấp hơn so với những nhóm còn lại. Người cao tuổi không đủ tiền thanh toán cho điều trị, đặc biệt là gánh nặng chi tiêu tiền túi (Ngân hàng Thế giới, 2007; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 2012) và do nhóm người cao tuổi sinh sống ở vùng nghèo, xa cơ sở y tế khiến việc di chuyển, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm người cao tuổi có BHYT sử dụng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế khác nhau. Chẳng hạn, 44,2% nhóm người cao tuổi dân tộc thiểu số sử dụng dịch vụ y tế cấp cơ sở (trạm y tế xã, phường), trong khi chỉ có 16,78% người cao tuổi dân tộc Kinh, Hoa sử dụng loại hình này. Ngược lại, chỉ có 0,73% người cao tuổi dân tộc thiểu số sử dụng dịch vụ y tế ở bệnh viện Trung ương, so với 6,76% người cao tuổi dân tộc Kinh, Hoa. Tương tự, khi so sánh nhóm người cao tuổi ở nông thôn với nhóm ở thành thị; nhóm người cao tuổi nghèo với nhóm người cao tuổi không nghèo. Thực trạng này cũng lý giải nguyên nhân tại sao nhóm người cao tuổi yếu thế có chi phí khám, chữa bệnh thấp hơn đáng kể so với nhóm còn lại. Phần lớn nhóm người cao tuổi yếu thế chỉ tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế ở cấp cơ sở - nơi các dịch vụ y tế ít được đầu tư, chất lượng thấp, chi phí thấp. Trong khi đó, việc sử dụng dịch vụ y tế ở bệnh viện Trung ương - nơi mà nhận được đầu tư nhiều và chất lượng cao, chi phí cao thì nhóm người cao tuổi yếu thế có tỷ lệ sử dụng thấp hơn nhiều so với nhóm còn lại tương ứng. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi có thẻ BHYT ở bệnh viện tư nhân còn rất thấp (chỉ 2,41%).

Một số khuyến nghị chính sách

Như vậy, các nhóm người cao tuổi khác nhau sẽ có tỷ lệ tham gia BHYT tăng lên theo thời gian, đặc biệt là nhóm người cao tuổi yếu thế. Tuy nhiên, có thẻ BHYT không có nghĩa là sẽ tiếp cận được dịch vụ y tế có chất lượng, nguyên nhân chính là do chi phí tiền túi cao và khó khăn trong tiếp cận các cơ sở y tế. Phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe, nhóm người người cao tuổi yếu thế có nhu cầu dịch vụ y tế cao hơn, vì thế Việt Nam cần thiết phải cải cách cung cấp dịch vụ theo hướng nâng cao độ bao phủ BHYT (BHYT toàn dân). Trước mắt, cần tập trung ngay một số chính sách liên quan đến cung cấp dịch vụ y tế đầy đủ cho người cao tuổi nói riêng, mọi người dân nói chung, xin đề xuất một số chính sách sau:

Cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ y tế, đặc biệt là y tế cấp cơ sở (xã, phường) nhằm cung cấp dịch vụ đầy đủ, kịp thời. Để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người cao tuổi, Việt Nam cần đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ thông qua có nhiều hơn đội ngũ y tế khắp các khu vực, các tỉnh, để bệnh nhân cao tuổi có quyền lựa chọn nhà cung cấp, bất kể là công hay tư. Cải thiện chất lượng dịch vụ y tế ở cấp cơ sở cũng là chiến lược để giảm chi tiêu tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe. Chính sách này đồng thời thúc đẩy công bằng tiếp cận cho nhóm yếu thế vì họ sử dụng nhiều dịch vụ tại các đơn vị y tế cấp cơ sở hơn so với các nhóm khác.

Cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dự phòng - đây là hoạt động cung cấp lợi ích lâu dài cho người dân, trong đó có người cao tuổi. Sự thay đổi nhanh chóng mô hình bệnh tật cho thấy, hệ thống y tế ở Việt Nam hiện nay không thích nghi và đủ hiệu lực đáp ứng nhu cầu. Để thực hiện các khuyến nghị này, các cơ sở y tế cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng. Điều này khẳng định lại đầu tư vào các dịch vụ y tế cấp xã sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công của BHYT toàn dân với mục tiêu dịch vụ y tế đầy đủ cho mọi người, trong đó có người cao tuổi.

Quá trình già hóa dân số nhanh đặt ra yêu cầu việc cung cấp BHYT và dịch vụ y tế đầy đủ cho người cao tuổi phải được chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ. Điều này sẽ giúp người cao tuổi phòng ngừa các bệnh mãn tính, nghiêm trọng, cũng như giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho y tế./.

 

Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn