Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 tháo gỡ vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

23/02/2024 02:47 PM


Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, qua hơn 03 năm triển khai thi hành trong thực tiễn, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC nói chung, trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nói riêng cần sớm được tháo gỡ.

Ảnh minh họa

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, ngay khi Nghị định số 19/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các Bộ, ngành nói chung và ngành BHXH Việt Nam nói riêng đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, qua đó kịp thời nhận diện, phát hiện sai sót và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử lý VPHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tổ chức thực hiện.

Đối với ngành BHXH, nhìn chung, công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt VPHC đã được Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo. BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra, xử phạt VPHC. Việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC cơ bản đã đáp ứng yêu cầu.

Những khó khăn, vướng mắc từ các quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai áp dụng các quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP còn có những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.

Về ban hành kế hoạch kiểm tra: Điều 12 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định kế hoạch kiểm tra phải được ban hành trước ngày 15/3 hằng năm chưa thực sự bảo đảm tính khả thi do việc ban hành kế hoạch kiểm tra thường chịu sự ảnh hưởng bởi các kế hoạch chung của Ngành nên việc ấn định thời gian cụ thể cho việc ban hành kế hoạch kiểm tra gây khó khăn cho người có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra; cần sửa đổi để việc ban hành kế hoạch được thực hiện linh hoạt, phù hợp với khả năng bố trí nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.

Về thời hạn kiểm tra: tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định thời hạn kiểm tra tối đa là 07 ngày làm việc; trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền kiểm tra có thể gia hạn thêm không quá 07 ngày. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, thời hạn kiểm tra theo quy định là quá ngắn và việc gia hạn thêm sẽ mất thời gian làm thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả và chất lượng kiểm tra.

Về dự thảo kết luận kiểm tra: Tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra, đoàn kiểm tra dự thảo kết luận kiểm tra và gửi cho đối tượng được kiểm tra để lấy ý kiến đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra”. Việc quy định thời hạn 15 ngày (bao gồm cả thứ 7, chủ nhật, lễ, Tết) như trên là quá ngắn, chưa phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện khi có những cuộc kiểm tra với nhiều nội dung cần xem xét, đánh giá: xác định rõ sai phạm, tính chất, mức độ sai phạm, nguyên nhân,…

Về thẩm quyền ký kết luận kiểm tra: tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định “Trưởng đoàn kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra trong trường hợp được người có thẩm quyền kiểm tra uỷ quyền”; tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định “Trưởng đoàn kiểm tra có thể uỷ quyền cho phó trưởng đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của mình”. Như vậy, trong trường hợp này, việc Trưởng đoàn kiểm tra có được uỷ quyền cho Phó trưởng đoàn kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra hay không vẫn còn có các quan điểm khác nhau.

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, lĩnh vực xử lý VPHC nói chung, xử lý VPHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nói riêng là lĩnh vực phức tạp, nhiều tình huống đặc thù phát sinh trong thực tế chưa được quy định rõ ràng hoặc có mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tình hình VPHC về lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt tình trạng chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT còn diễn ra nhiều trên phạm vi toàn quốc.

Thứ hai, một số quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP còn chưa cụ thể, rõ ràng và thống nhất. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật, đặc biệt là Luật xử lý VPHC còn có những cách hiểu khác nhau nên việc áp dụng các quy định pháp luật về xử phạt VPHC trong một số trường hợp còn chưa thống nhất gây khó khăn, lúng túng trong quá trình xử lý VPHC.

Thứ ba, công tác theo dõi thi hành pháp luật, xử lý VPHC nói chung và xử lý VPHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nói riêng là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu. Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của tổ chức, cá nhân còn hạn chế.

Trước những khó khăn, bất cập nêu trên, việc sửa đổi Nghị định số 19/2020/NĐ-CP là cần thiết và phù hợp với thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC nói chung, trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nói riêng.

Để quy định pháp luật được thực hiện thống nhất, ngày 05/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024; trong đó tại Phụ lục IV giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC./.

Theo https://baohiemxahoi.gov.vn