Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam: Nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới người dân, doanh nghiệp
10/10/2024 11:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực chuyển đổi số toàn diện, mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn.
Nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có những chia sẻ về công tác này của Ngành thời gian qua.
PV: Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết quan trọng đánh giá “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả nào nổi bật đóng góp vào động lực quan trọng đó, thưa Tổng giám đốc?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã xác định chuyển đổi số là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, là yêu cầu tất yếu khách quan để hội nhập quốc tế. Là cơ quan thuộc Chính phủ, được giao thực hiện chính sách BHXH, BHYT - 2 trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội đất nước, ngành BHXH Việt Nam nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số của Ngành không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà là sự thay đổi toàn diện về tư duy, nhận thức, phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, quy trình nghiệp vụ, nhằm tạo ra những giá trị mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, ngành BHXH Việt Nam đã và đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Có thể khái quát một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, về xây dựng, phát triển hạ tầng số, ngành BHXH Việt Nam đã và đang vận hành hệ thống công nghệ thông tin tập trung, hiện đại, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. BHXH Việt Nam hiện đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung (Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng và phục hồi thảm họa) và đảm bảo an toàn thông tin cho 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% công chức, viên chức và người lao động của Ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (Eoffice); 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định. Hệ thống của BHXH Việt Nam cũng kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; hơn 621 nghìn đơn vị, doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của Ngành
Thứ hai, về dữ liệu số, ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với quy mô hơn 98,5 triệu thông tin công dân; kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác, bảo đảm người dân không phải khai báo nhiều lần khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
Thứ ba, về triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến, BHXH Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ nhằm đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa. Các TTHC đều được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của Ngành và trên Cổng DVC quốc gia theo hình thức trực tuyến. Hiện BHXH Việt Nam đã ban hành Danh mục DVC trực tuyến toàn trình với 70 DVC. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến của BHXH Việt Nam hiện nay đạt trên 80% trong tổng số hồ sơ giao dịch (mỗi năm có trên 80 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến trong tổng số khoảng 100 triệu hồ sơ).
Thứ tư, về phát triển ứng dụng công nghệ số, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT, đến nay 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai phương thức này với hơn 120 triệu lượt sử dụng. BHXH Việt Nam cũng thí điểm ứng dụng công nghệ sinh trắc trong KCB BHYT; triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” với gần 36 triệu tài khoản, trong đó tích hợp trên ứng dụng này nhiều tiện ích và thực hiện các DVC trực tuyến.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khảo sát, trao đổi với người dân về chất lượng phục vụ tại bộ phận “Một cửa”
Thứ năm, về chi trả không dùng tiền mặt, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) qua tài khoản cá nhân ngày càng tăng, đến nay đạt khoảng 78% tại khu vực đô thị, vượt 18% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.
PV: Có thể thấy, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số. Những kết quả đó đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực nào cho người dân và doanh nghiệp, thưa Tổng Giám đốc?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Với quan điểm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", tất cả các kết quả, nhiệm vụ của Ngành BHXH Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách. Đây cũng là mục tiêu, định hướng xuyên suốt của Ngành trong công tác chuyển đổi số. Những thành tựu từ quá trình chuyển đổi số của BHXH Việt Nam đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người dân và doanh nghiệp, có thể tóm lược trong một số điểm chính sau:
Tiện lợi trong tiếp cận dịch vụ: Người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều nền tảng khác nhau, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian.
Giảm thiểu giấy tờ, thủ tục: Việc xác thực, tích hợp thông tin trên các ứng dụng VssID, VNeID giúp người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh hay thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH. Doanh nghiệp cũng giảm bớt được gánh nặng về thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Tất cả các kết quả, nhiệm vụ của Ngành BHXH Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách
Minh bạch, rõ ràng: Mọi thông tin về quá trình tham gia, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN đều được công khai, minh bạch trên hệ thống, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, giám sát.
An toàn, bảo mật: Việc chi trả lương hưu, trợ cấp qua tài khoản cá nhân đảm bảo an toàn, chính xác, tránh thất lạc, nhầm lẫn. Các ứng dụng, hệ thống của ngành đều được bảo mật theo tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thông tin cho người dân và doanh nghiệp.
Tiết kiệm chi phí: Chuyển đổi số giúp giảm thiểu chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức đi lại cho người dân và doanh nghiệp.
Đơn cử, đối với người dân, chưa bao giờ đi KCB thuận lợi như bây giờ. Người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT (trước đây làm thủ tục đăng ký KCB BHYT có thể mất 10 phút đến vài tiếng đồng hồ, song nay chỉ cần xác thực tại máy với quãng thời gian chỉ 6-15 giây/bệnh nhân). Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai nhiều DVC trực tuyến liên thông, giúp người dân có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính trong 1 lần cung cấp thông tin như nhóm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, hay đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú và trợ cấp mai táng…
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình báo cáo và giao dịch với BHXH Việt Nam. Hiện nay, hồ sơ giao dịch với BHXH Việt Nam được thực hiện trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và giảm tải công việc. Doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch như báo tăng giảm lao động, nộp tiền bảo hiểm và tra cứu thông tin trực tuyến bất kể thời gian và địa điểm. Điều này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua, khi giao dịch trực tiếp bị hạn chế…
PV: Chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 nhấn mạnh đến việc phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số, từ những nền tảng, kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung vào các nội dung nào trong công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của Ngành, thưa Tổng Giám đốc?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 nhấn mạnh đến phổ cập hạ tầng số và phát triển ứng dụng số là một định hướng quan trọng, phù hợp với thực tiễn, xu thế hiện nay. Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát chủ đề này, đồng thời quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, về phổ cập hạ tầng số: Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu, mở rộng băng thông đường truyền, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nền tảng số, nghiên cứu, phát triển các nền tảng số mới, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công.
BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng, sáng tạo ứng dụng số, nâng cao chất lượng dịch vụ
Thứ hai, về sáng tạo ứng dụng số: Nghiên cứu phát triển các ứng dụng mới trên nền tảng di động, cung cấp thêm nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng AI, Big Data trong phân tích, dự báo, cảnh báo rủi ro, hỗ trợ ra quyết định, cá thể hóa dịch vụ, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Ứng dụng công nghệ dữ liệu khối (Blockchain trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, nhằm tăng cường tính minh bạch, bảo mật và hiệu quả.
Thứ ba, về nâng cao chất lượng dịch vụ: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình. Cá thể hóa dịch vụ, cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của từng đối tượng, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường tương tác, xây dựng các kênh giao tiếp đa dạng, hiệu quả với người dân và doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến phản hồi, nâng cao chất lượng phục vụ.
Thứ tư, về nâng cao năng lực đội ngũ: thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Thứ năm, về đảm bảo an toàn thông tin: tiếp tục hoàn thiện hệ thống an toàn thông tin, đảm bảo an toàn dữ liệu, phòng chống tấn công mạng. Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho công chức, viên chức và người dân.
Với định hướng đó, BHXH Việt Nam quyết tâm kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH; các Bộ, Ngành, địa phương cũng được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về bảo hiểm, góp phần vào động lực phát triển của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
Theo https://baohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình