Truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần đổi mới mang tính bước ngoặt
19/04/2023 02:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 18/4, tại Nghệ An, BHXH Việt Nam khai mạc Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2023 khu vực miền Trung. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Đây là hoạt động trong chương trình tập huấn công tác truyền thông năm 2023 của BHXH Việt Nam, nhằm bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho lãnh đạo và cán bộ trực tiếp làm công tác truyền thông của BHXH các địa phương.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị này, các cán bộ truyền thông của BHXH các địa phương được chia sẻ thông tin và thảo luận về 3 chuyên đề: “Kỹ năng truyền thông trực tiếp về BHXH, BHYT” của diễn giả, ThS-BS.Đào Thị Tuyết- Tư vấn độc lập chuyên ngành truyền thông, giáo dục, sức khỏe; “Kỹ năng giao tiếp với báo chí” của ThS.Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục); “Kỹ năng biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện” của ThS.Lương Đông Sơn- Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đánh giá chung về công tác truyền thông của Ngành thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhận định, toàn ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động truyền thông được triển khai chuyên nghiệp, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền và cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương...
"Các kênh truyền thông được thực hiện đa dạng, phong phú, linh hoạt và ngày càng phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền và đặc thù của từng địa phương. Truyền thông hiện đại, truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông ứng dụng số ngày càng được ngành BHXH đẩy mạnh, hiệu quả lan tỏa cao”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng cho biết, nhiệm vụ của Ngành năm 2023 và những năm tiếp theo hết sức to lớn và nhiều thách thức; đồng thời chỉ ra nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm hiện nay đó là “phải tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh truyền vực thông".
"Truyền thông chính sách BHXH, BHYT phải tiếp tục có những đổi mới mang tính bước ngoặt, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn ngày càng cao”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh. Đồng thời chỉ rõ, các hoạt động truyền thông về BHXH, BHYT phải huy động được sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và từng cơ quan, đơn vị, người dân; phải góp phần lan tỏa tính nhân văn, ưu việt của các chính sách an sinh; cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của mọi người dân và toàn xã hội.
Theo đánh giá của Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam), trong năm 2022, các hoạt động truyền thông tại BHXH 63 tỉnh, thành đã được triển khai chuyên nghiệp, bài bản, linh hoạt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí để kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Một trong các thành tựu đáng ghi nhận là việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã huy động được sự vào cuộc tích cực hơn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan.
Các đại biểu tham gia thảo luận về kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông
Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam đã tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT gắn với công tác phát triển người tham gia. Đồng thời, các hoạt động truyền thông trực tiếp cũng trở thành một kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của người tham gia về hiệu quả thực thi chính sách BHXH, BHYT; cùng những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và các đề xuất, giải pháp nhằm điều chỉnh, xây dựng, hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội…
Tuy nhiên, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cũng cho thấy một số khó khăn cần khắc phục như: Cơ chế tài chính, định mức liên quan tới một số hình thức tuyên truyền mới chưa được quy định cụ thể (định mức cho các thể loại báo chí mới như E-Magazine, Infographic, toạ đàm trực tuyến...; hội nghị truyền thông trực tuyến, nhóm nhỏ, lồng ghép; thù lao viết tin, bài đăng trên mạng xã hội…).
Bên cạnh đó, việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu, một số thay đổi chính sách khiến nhiều người dân không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Việc kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác truyền thông tại các địa phương tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Kỹ năng truyền thông của một số nhân viên tổ chức dịch vụ thu còn hạn chế... nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai công tác truyền thông tại các địa phương...
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, BHXH Việt Nam đã đặt mục tiêu tiếp tục duy trì các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức BHXH và nghiệp vụ thông tin, truyền thông cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông. Theo đó, đảm bảo đạt 100% cộng tác viên truyền thông, nhân viên tổ chức dịch vụ thu được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về BHXH và nghiệp vụ thông tin, truyền thông...
Do đó, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các địa phương tiếp tục rà soát, phân nhóm chủ thể truyền thông cụ thể (theo từng lĩnh vực ngành nghề, thời gian làm việc, mức thu nhập bình quân đầu người…) để xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông chi tiết theo từng nhóm và đến tận xã, phường; triển khai các hình thức truyền thông linh hoạt, phù hợp, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, chú trọng nhóm người tham gia tiềm năng. Trong đó, tập trung vào nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và nhóm NLĐ tại các KCN...
Thái An
https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình