Nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH 2024 đảm bảo tính khả thi và hiệu quả
02/12/2024 10:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 2 ngày 29-30/11, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Đóng góp ý kiến dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật BHXH 2024. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn và ông Phạm Trường Giang- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân.
Tại Hội nghị, Phó Tổng Gám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật BHXH 2024, để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện được thuận lợi và hiệu quả. Từ thực tiễn tổ chức thực hiện, lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các địa phương tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến để Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) và BHXH Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền sớm ban hành.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Lê Hùng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Ông Phạm Trường Giang- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin thêm những kết quả nổi bật trong công tác phát triển người tham gia BHXH những gần đây. Theo đó, kể từ khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về cải cách chính sách BHXH, số người tham gia BHXH trên cả nước đã gia tăng mạnh mẽ. Năm 2017, số người tham gia BHXH mới đạt khoảng 24% lực lượng lao động trong độ tuổi, đến hết năm 2024 dự kiến sẽ đạt trên 42%, vượt ngưỡng 20 triệu người tham gia.
“Chúng ta có thể khẳng định rằng, số người tham gia BHXH mới trong khoảng 8 năm gần đây bằng cả 22 năm trước cộng lại. Đây là thành quả rất lớn; đặc biệt trong khoảng thời gian này, số tham gia BHXH tự nguyện tăng gấp khoảng 10 lần các năm trước đó, đến nay đã đạt trên 2 triệu người; trong khi năm 2017 mới chỉ đạt khoảng 221.000 người”- ông Giang nêu con số. Theo ông Giang, Nghị quyết số 28-NQ/TW là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương về BHXH, đã tạo động lực mạnh mẽ. Bên cạnh đó là vai trò quan trọng của toàn bộ đội ngũ cán bộ ngành BHXH đã nỗ lực không ngừng, với cách làm mới, quyết tâm mới, để góp phần tăng số tham gia BHXH trong những năm gần đây.
Toàn cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, ông Giang cũng lưu ý, các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới rất lớn, đã và đang đặt ra nhiều thách thức với công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH. “Đến năm 2025, chúng ta phải đạt 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, đến năm 2030 phải đạt 60%- tương ứng với việc phải tăng thêm khoảng 10 triệu người tham gia BHXH mới trong giai đoạn 5 năm tới; đồng thời giữ được con số 20 triệu người đang tham gia. Nhiệm vụ trong giai đoạn tới nặng nề hơn rất nhiều. Những nhóm đối tượng dễ vận động đã thực hiện trước; còn lại sẽ là nhóm khó khăn nhất, phức tạp nhất”- ông Giang phân tích.
Đồng thời, ông Giang nhấn mạnh ý nghĩa của việc góp ý, xây dựng các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật BHXH 2024. Bởi, đây chính là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng mới trong Luật BHXH 2024, tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, mở ra cơ hội mới, tiền đề mới để tiếp tục phát triển mạnh mẽ số người tham gia BHXH. Do đó, trong khoảng 2 tháng qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với BHXH Việt Nam triển khai hội nghị đối thoại tại 21 tỉnh, thành phố, trực tiếp đến khoảng 6.300 lượt người; qua đó vừa tuyên truyền các điểm mới của luật, vừa bước đầu ghi nhận những ý kiến để xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện luật.
Khẳng định tính cầu thị, lắng nghe để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH 2024, ông Giang đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện trực tiếp chính sách, cần góp ý sâu, hiến kế để đơn giản hóa quy trình, thủ tục hồ sơ về BHXH; qua đó giúp giảm vướng mắc, ách tắc, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, để khi quy trình được đổi mới sẽ giảm tải đáng kể khối lượng công việc ở cơ sở.
“Một mặt không phát sinh thêm TTHC, mặt khác cần triệt để cải tiến các quy trình, thủ tục hiện có. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để giảm tải khối lượng công việc của cán bộ ở cơ sở; đồng thời nâng hiệu quả, hiệu năng tổ chức thực hiện BHXH; kết hợp với ứng dụng CNTT một cách tối đa để kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi cố tình trục lợi. Phải thay đổi tư duy; không vì một bộ phận thiểu số, cá biệt có thể có nguy cơ trục lợi mà phải xây dựng hàng rào để đa số phải chịu bất lợi”- ông Giang nhấn mạnh.
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện Vụ BHXH cũng nêu rõ quá trình xây dựng và trình bày tóm tắt 3 dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện. Cụ thể gồm: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện; dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung mới sẽ được quy định chi tiết trong các văn bản do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng. Trong đó, một số vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và thảo luận. Trong đó, có thể kể đến phương án quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh. Hay như, về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, Ban soạn thảo cũng đặt vấn đề xin ý kiến về các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, nhất là với những đối tượng mới thuộc diện tham gia theo quy định của Luật BHXH 2024.
Về hưởng BHXH một lần, cần làm rõ căn cứ xác định người tham gia trước thời điểm Luật BHXH 2024 có hiệu lực; thời điểm để xác định 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Hoặc, quy định như thế nào về giải quyết chế độ tử tuất đối với NLĐ là công dân nước ngoài tham gia BHXH tại Việt Nam; nên quy định tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm lập hồ sơ, quy trình thực hiện như thế nào?
Các đại biểu cũng cho ý kiến về cách tính thời gian hưởng, mức hưởng chế độ đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với NLĐ trong trường hợp người SDLĐ không còn khả năng đóng cũng đặt ra một số vấn đề cần được quy định cụ thể, chẳng hạn: Về căn cứ xác định trường hợp đơn vị SDLĐ nào không còn khả năng đóng và thời gian chính xác của từng NLĐ tại đơn vị đó; xác định thời điểm hưởng đối với các trường hợp sau khi thực hiện xác nhận thời gian đóng để giải quyết các chế độ; cách thức tính toán lại mức hưởng của từng trường hợp...
Riêng về đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu đối với trường hợp tham gia BHXH tự nguyện cũng đặt ra vấn đề cần sửa lại quy định về số năm đóng tối đa. Bởi, theo quy định hiện hành là không quá 10 năm còn thiếu, nhưng do Luật BHXH 2024 quy định điều kiện hưởng lương hưu là đóng BHXH đủ 15 năm. Do đó, cần quy định lại về việc giảm số năm đóng còn thiếu...
Theo kế hoạch, Hội nghị Đóng góp ý kiến dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật BHXH 2024 sẽ tiếp tục được tổ chức tại khu vực phía Nam trong thời gian tới.
Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...