Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất kế hoạch phối hợp thực hiện chính sách BHYT năm 2023
20/02/2023 09:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 17/2, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Giao ban thực hiện chính sách BHYT quý I/2023. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị.
Chính sách BHYT đạt được bước tiến vượt bậc
Hội nghị có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ Y tế: ông Đỗ Xuân Tuyên, ông Trần Văn Thuấn, bà Nguyễn Thị Liên Hương, ông Lê Đức Luận; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: ông Trần Đình Liệu, ông Đào Việt Ánh, ông Lê Hùng Sơn, ông Nguyễn Đức Hòa, ông Chu Mạnh Sinh cùng lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHYT thời gian qua, xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực hiện chính sách BHYT trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nhấn mạnh sự đồng thuận của 2 ngành trong thực hiện các mục tiêu chung của chính sách BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam- Nguyễn Thế Mạnh nhận định: Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và KCB BHYT.
Chia sẻ kết quả thực hiện chính sách BHYT thời gian qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Tính đến hết năm 2022, độ bao phủ BHYT đã đạt tỷ lệ 92,04% dân số (vượt 0,04% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP), và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế- xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ này là bước tiến vượt bậc khi năm 2016, chúng ta mới có độ bao phủ 81,6% dân số. Theo lộ trình Chính phủ đặt ra, năm 2025 cả nước phải cán mộc 95% dân số tham gia BHYT. Hiện nay, còn gần 8% người dân chưa tham gia BHYT, chủ yếu nằm ở khu vực phi chính thức, hộ buôn bán nhỏ... Một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung các giải pháp để đưa các nhóm dân cư này vào hệ thống BHYT.
Thành tựu thứ hai là sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia. “Theo tính toán, trong giai đoạn 2016-2022, trung bình mỗi năm có 160 triệu lượt KCB BHYT cho khoảng 50 triệu người có thẻ BHYT. Riêng năm 2022, có khoảng 150 triệu lượt KCB cho 40 triệu người có thẻ BHYT. Tuy số lượt giảm, nhưng tổng chi từ quỹ BHYT cho KCB BHYT lại cao lên Số chi KCB BHYT là trên 106.732 tỷ đồng tăng gần 20.000 tỷ đồng so với năm 2021... Những con số này cho thấy quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được nâng cao”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận xét.
Thành tựu thứ ba là phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách về BHYT, KCB; đánh giá tác động và đề xuất sửa đổi chính sách. Các đơn vị 2 ngành đã phối hợp chặt chẽ. Cụ thể như liên quan đến Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Quốc hôi, Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống dịch Covid-19... Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã cùng Bộ Y tế đề xuất để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT. Và ngay đầu năm 2023 là phối hợp đóng góp ý kiến ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 để đảm bảo thuốc KCB... Ngoài ra, các Thông tư số 02/2022/TT-BYT sửa đổi các quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2; Thông tư 19/2022/TT-BYT hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế; Quyết định số 130/QĐ-BYT ngày 18/01/2023 của Bộ Y tế về quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan... đều cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa hai ngành để thực hiện tốt chính sách BHYT.
Thứ tư là tổ chức tốt hính sách pháp luật đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Hiện nay cả nước hiện có trên 13.000 cơ sở KCB BHYT thực hiện kết nối trực tuyến với Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến của BHXH Việt Nam. Thực hiện KCB BHYT thông qua hợp đồng KCB, hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong đảm bảo thuốc KCB BHYT, hiệu quả rõ nét trong quý IV/2022 khi tình trạng thiếu thuốc được cơ bản giải quyết...
Thứ năm là phối hợp trong kiểm tra giám sát thực hiện KCB và thanh toán chi phí KCB theo đúng quy định và vẫn tối ưu hóa nguồn quỹ BHYT. Nếu như năm 2017 từ chối chi phí khoảng 2.500 tỷ, nhưng càng ngày càng giảm, và năm 2022 còn 955 tỷ. Cho thấy việc thực hiện chuẩn đoán điều trị của cơ sở y tế có sự chuyển biến tích cực từ cơ sở y tế, khắc phục tình trạng chỉ định quá mức các dịch vụ kỹ thuật để dành nguồn lực cho những bệnh nhân thực sự cần... Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng chủ động tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát thực hiện chính sách pháp luật BHYT do Bộ Y tế chủ trì
Thành tựu tiếp theo đạt được từ sự phối hợp giữa hai ngành trong cải cách TTHC KCB BHYT. “Xã hội và người dân đã ghi nhận rằng chưa bao giờ TTHC được cải cách thuận lợi như hiện nay. Hiện đã có 95% cơ sở y tế đã sẵn sàng để người bệnh sử dụng CCCD thay thế thẻ BHYT đi KCB. Xác thực dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và cơ sở dữ liệu dân cư đã xác thực được 80 triệu thẻ BHYT với CCCD. Việc Việc chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế càng ngày tích cực. Dự kiến trong Quý 1-2/2023 , hai bên sẽ phối hợp cùng Bộ Công an xây dựng sở sức khỏe điện tử cho người dân...”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm.
BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng phối hợp rất chặt chẽ trong thực hiện khó khăn vướng mắc. Với Nghị quyết 144, việc thanh quyết toán chi phí vượt tổng mức đã được thanh toán 4.300 tỷ cho cơ sở KCB. Trong năm 2022, cũng đã giải quyết gần 2.000 tỷ đồng thanh toán bổ sung các chi phí tồn đọng trước đó. Hai ngành cũng tham gia nhiều các hội thảo, đoàn thanh tra, kiểm tra, công tác liên ngành, Quốc hội... để làm rõ các vấn đề trong thực tiễn thực hiện chính sách BHYT...
Nhiệm vụ chung là bao phủ chính sách đến mọi người dân
Trên cơ sở phân tích thực tế thực hiện chính sách, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm của hai ngành trong năm 2023 để đảm bảo thực hiện tốt nhất chính sách BHYT. “Hai bên cần tiếp tục phối hợp ngay từ đầu trong xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, cụ thể hiện nay đang sửa Luật Dược, Luật BHYT, Nghị định 146 và các văn bản khác...”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh. Vấn đề quan trọng khác là tiếp tục giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí KCB liên quan đến cơ chế chính sách. Hướng dẫn thanh quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2022 và dự toán 2023; hướng dẫn thanh toán đối với người mắc bệnh lao vẫn còn một số vấn đề vướng mắc; tháo gỡ vướng mắc đầu thầu qua mạng; trang thiết bị KCB BHYT...
Đề nghị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; cũng như thực hiện đầy đủ quy chế phối hợp đã ký giữa hai ngành...
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thống nhất với đánh giá của BHXH Việt Nam về kết quả thực hiện chính sách BHYT thời gian qua và những vướng mắc năm 2023. Giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan tổ chức thực hiện chính sách thì mục đích chung đều là làm thế nào để đưa chính sách BHYT đến được với người dân; tham mưu cho Chính phủ thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó chính sách BHYT rất quan trọng với người dân...” Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ. Chính vì vậy, cơ chế phối hợp hai bên mang lại mục đích cao hơn là làm tốt nhất nhiệm vụ của mình để giúp Chính phủ triển khai hiệu quả chính sách ASXH quan trọng này.
Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên đã mang lại bước tiến tích cực trong thực hiện chính sách: xây dựng luật pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tham gia phối hợp cùng các Bộ, ngành khác... để đạt được tiếng nói chung và những kết quả nhất định.
Xác định nhiệm vụ năm 2023 còn rất nhiều vấn đề cần phối hợp giải quyết, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thống nhất với đề xuất của BHXH Việt Nam. Nhiệm vụ nặng nề nhất trong thời điểm này là đánh giá được tình hình thực hiện Luật BHYT để có sửa đổi phù hợp, phấn đấu đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật để Luật KCB và Luật BHYT đi đôi với nhau. Luật BHYT cần sự đồng thuận giữa hai cơ quan xây dựng và thực hiện chính sách để các văn bản pháp luật vừa đáp ứng được yêu cầu cơ quan quản lý, quyền lợi người dân và đảm bảo cân đối quỹ BHYT. “Cân đối quỹ không chỉ là trách nhiệm của riêng BHXH Việt Nam mà cũng là nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của Quỹ BHYT”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan chỉ rõ- “Nhiệm vụ chung của hai cơ quan trong thực hiện chính sách là làm sao đảm bảo quyền lợi người tham, và khả năng cân đối quỹ BHYT”.
Đánh giá cao sự tích cực của ngành BHXH trong hỗ trợ ngành y tế thực hiện công tác KCB, chăm sóc sức khỏe người dân trong thời gan qua, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị hai bên sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai nhiệm vụ năm 2023, làm cơ sở rà soát, triển khai nhiệm vụ hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát tháo gỡ các khó khăn còn tồn đọng, thực hiện đúng quy định pháp luật của nhà nước, đề xuất các vấn đề cần điều chỉnh trong hệ thống pháp luật...
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...