Ngành BHXH Việt Nam: Luôn lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ
14/07/2022 02:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 13/7, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Cùng sự tham dự có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường; đại diện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; cùng đại diện BHXH các địa phương tại trên 700 điểm cầu trong toàn quốc.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân trong mọi hoàn cảnh
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, giữa bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen, kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ucraina cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19..., ngành BHXH Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực trên mọi mặt công tác. Đơn cử: BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nhằm hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đến hết tháng 6/2022, thực hiện 3 chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP, toàn Ngành đã thực hiện giảm đóng vào các quỹ BHXH, BH thất nghiệp và chi hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng cho NLĐ và chủ SDLĐ đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, trong đó riêng chi hỗ trợ bằng tiền cho gần 12,968 triệu NLĐ với số tiền 30.804 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, trong đó cơ quan BHXH có nhiệm vụ xác nhận tình trạng tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ, làm cơ sở để xác định đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ. BHXH Việt Nam đã tập trung nhân lực, cải cách TTHC và ứng dụng CNTT để tiếp nhận và xác nhận sớm nhất việc tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ. Kết quả, đến ngày 10/7/2022, với NLĐ đang làm việc trong DN, cơ quan BHXH đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.775.210 NLĐ; với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, cơ quan BHXH đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 84.889 NLĐ... Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp DN có thêm điều kiện để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, sớm ổn định kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Các đại biểu dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Đặc biệt, giữa bối cảnh dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, vai trò của ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội càng được khẳng định. Công tác giải quyết hưởng các chế độ BHXH đảm bảo kịp thời, đúng quy định; đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH. Các nội dung mới phát sinh trong tổ chức thực hiện đã được chỉ đạo triển khai kịp thời, không gây ách tắc trong việc giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đã giải quyết 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 590.844 người hưởng trợ cấp một lần (trong đó 481.677 người nghỉ việc rút BHXH một lần); giải quyết 5.998.841 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK. Phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 443.457 người hưởng các chế độ BH thất nghiệp, trong đó có 434.162 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 9.295 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.
Ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, việc giải quyết chế độ ốm đau đối với NLĐ tăng 47,42% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do số lượng đề nghị giải quyết chế độ cho NLĐ mắc Covid-19 tăng. Từ năm 2021 đến 24/6/2022, có tổng số 2.318.567 lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau do Covid-19, với tổng số tiền 3.081 tỷ đồng.
Linh hoạt giải pháp mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT
Một trong những kết quả đáng ghi nhận là số người tham gia BHXH, BHYT đều tăng trưởng tích cực. Về BHXH, tính đến hết tháng 6/2022 có 16,822 triệu người tham gia, đạt 87,7% kế hoạch, tương đương 34% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 81,7 nghìn người so với tháng trước, tăng 275,5 nghìn người so với cuối năm 2021. Riêng số người tham gia BHYT giảm so với cùng kỳ và giảm so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng vẫn tăng 280 nghìn người so với tháng trước. Hiện, toàn quốc đã có 86,538 triệu người tham gia BHYT, đạt 94,3% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 88,66% dân số.
Số thu BHXH, BHYT cũng đạt hiệu quả cao, lũy kế từ đầu năm đến nay lên 199.289 tỷ đồng, đạt khoảng 46,2% kế hoạch được giao, tăng 4.278 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT cải thiện đáng kể, với 20.920 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,9% số phải thu, giảm 3.656 tỷ đồng so với tháng trước và giảm 265 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ
Chỉ ra một số khó khăn trong công tác này, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ nhận xét: Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT tăng chậm, nhất là BHYT vẫn giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021. Một trong những nguyên nhân do dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của người dân; bên cạnh đó là sự thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện trong năm 2022. Nhiều DN sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT với số tiền lớn và thời gian kéo dài... Việc thu hồi số tiền hưởng BHXH, trợ cấp thất nghiệp sai quy định còn khó khăn, khi đối tượng hưởng sai không có thu nhập, không có khả năng hoàn trả; hoặc cố tình không thực hiện trách nhiệm hoàn trả mà không có chế tài để xử lý.
Tuy nhiên, ông Hào cũng cho rằng, BHXH các địa phương đã có nhiều nỗ lực, với nhiều mô hình, cách làm hay nên đã khắc phục được các khó khăn này. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã xây dựng, triển khai các kịch bản tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19 và các gói phục hồi kinh tế-xã hội của Chính phủ. Đáng chú ý, đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã; đề xuất ngân sách địa phương, các DN, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; rà soát, đánh giá tình hình biến động tăng, giảm lao động và dự kiến nhu cầu sử dụng lao động năm 2022 trên địa bàn để xây dựng giải pháp chỉ đạo, điều hành công tác thu, phát triển người tham gia năm 2022.
Ngoài ra, toàn Ngành cũng đẩy mạnh rà soát dữ liệu người chưa tham gia trên cơ sở dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp; từ đó xây dựng kế hoạch theo tuần, tháng, quý để đôn đốc DN tham gia đầy đủ. Cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo từng địa bàn cấp xã; phối hợp với các tổ chức, đại lý thu tổ chức hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia. Phân công cán bộ bám sát, đôn đốc các đơn vị, DN nộp đủ số tiền phát sinh trong tháng và số tiền nợ tháng trước. Triển khai, tổ chức linh hoạt hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với DN chưa tham gia, tham gia không đầy đủ, DN nợ từ 3 tháng trở lên; kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ khởi tố đối với DN cố tình vi phạm...
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương cũng tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất. Tính đến ngày 30/6/2022, đã thực hiện thanh tra đột xuất được 1.339/27.742 đơn vị thuộc diện phải thanh tra. Kết quả đã phát hiện các DN trốn đóng BHXH, BHYT cho 581 NLĐ, với số tiền truy đóng 3,06 tỷ đồng; 919 NLĐ đóng thiếu với số tiền truy đóng 10,9 tỷ đồng. Trước thời điểm thanh tra, số nợ BHXH, BHYT của các DN này là 429 tỷ đồng, sau thanh tra đã khắc phục được 199 tỷ đồng...
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Vụ trưởng Vụ Tài chính-Kế toán
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Vụ trưởng Vụ Tài chính-Kế toán, BHXH các tỉnh cần chủ động rà soát, sắp xếp các nội dung chi trong phạm vi dự toán được giao, cân đối bổ sung kinh phí cho các nhiệm vụ tuyên truyền cần thiết, cấp bách phục vụ công tác phát triển đối tượng... Bà Xuân nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ chung của tất cả các bộ, ngành trong năm là phải tiết kiệm chi phí quản lý, yêu cầu các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương điều hành dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT chặt chẽ, hiệu quả theo dự toán giao.
"Trên cơ sở dự toán giao đầu năm, các đơn vị chủ động sắp xếp các khoản chi đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc triển khai các giải pháp tiết kiệm, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lãng phí, sai phạm tại đơn vị... "- bà Xuân đề nghị
Chủ động các phương án “từ sớm, từ xa”
Chia sẻ tại Hội nghị, BHXH một số địa phương cùng chung nhận định, một trong các giải pháp hiệu quả là tham mưu, vận động; cũng như sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương nên đảm bảo triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn... Đặc biệt, có sự chủ động từ chính cơ quan BHXH trong triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện từng địa bàn.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội nghị
Ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong toàn Ngành, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhận xét: Bài học đầu tiên cho thành công này sự là quyết liệt, tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ từ từng đơn vị, cá nhân lãnh đạo, CCVC của ngành BHXH Việt Nam. Thứ hai là hiệu quả từ sự chủ động của BHXH các địa phương với nhiều mô hình, cách làm hay phát triển người tham gia BHXH, BHYT (tham mưu cho chính quyền chỉ đạo sát sao công tác BHXH, BHYT; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho một số nhóm đối tượng khó khăn...). Cùng với đó, BHXH nhiều địa phương cũng ứng dụng linh hoạt các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, phối hợp với cơ quan Thuế rà soát dữ liệu NLĐ chưa tham gia BHXH, BHYT; nắm bắt tình hình để đôn đốc, hướng dẫn DN thực hiện các nghĩa vụ với NLĐ... “BHXH các địa phương nên chủ động phối hơp với Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ để tìm ra các giải pháp hiệu quả, có thể tham mưu lãnh đạo Ngành làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, tham mưu các giải pháp phù hợp với từng địa bàn...”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu lưu ý.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường phát biểu tại Hội nghị
Đánh giá tích cực về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường đề nghị: BHXH Việt Nam cần có giải pháp quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu năm 2022, trong đó đặc biệt tận dụng triệt để hiệu quả CNTT trong thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng và phát hiện các vi phạm trong thực hiện chính sách. Ông Cường cũng đề nghị lãnh đạo BHXH các địa phương nếu có vướng mắc, cần sớm phát hiện, tổng hợp gửi BHXH Việt Nam, để báo cáo HĐQL vào cuộc kịp thời tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội này...
Thống nhất với các ý kiến, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các Phó Tổng Giám đốc phụ trách và Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tranh thủ bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác BHXH, BHYT; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. "BHXH địa phương phải chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp, lồng ghép chỉ tiêu, nhiệm vụ BHXH, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chính sách an sinh xã hội tại địa phương, nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng chung tay vào cuộc"- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý.
Tổng Giám đốc cũng đặc biệt nhấn mạnh, các đơn vị và BHXH các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cần phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Ngành BHXH Việt Nam cần phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết đồng thời, hài hòa hai vấn đề quan trọng, đó là vừa giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng; vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ- để đảm bảo thu, chi, đầu tư tăng trưởng hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn quỹ BHXH, BHYT...”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...