Toàn Ngành triển khai công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT phù hợp với cấp độ dịch
05/11/2021 09:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 3/11, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch số 3532/KH-BHXH về triển khai thực hiện công tác thu và khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT phù hợp với từng cấp độ dịch bệnh và các hoạt động quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ động thích ứng với “bình thường mới”
Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Kế hoạch của BHXH Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2021, từng giai đoạn và mục tiêu theo lộ trình tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Theo đó, trong Kế hoạch này, BHXH Việt Nam đã chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho các địa phương theo từng cấp độ dịch 1, 2, 3, 4. Đơn cử: Với công tác thu, BHXH Việt Nam quy định rõ cách làm với các đối tượng cụ thể, gồm đơn vị nợ dưới 1 tháng, đơn vị nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị đang thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị giải thể, phá sản, dừng hoạt động, đơn vị chỉ tham gia BHYT từ nguồn ngân sách đóng hằng quý. Với công tác phát triển đối tượng, BHXH Việt Nam chỉ ra từng mục tiêu cụ thể, tập trung thực hiện công tác rà soát, điều tra dữ liệu NLĐ quyết toán thuế thu nhập cá nhân do cơ quan Thuế cung cấp; rà soát nhóm đối tượng được NSNN đóng BHYT.
Bên cạnh đó, công tác thu và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng cũng được chú trọng. Đối với công tác thu, các địa phương theo từng cấp độ dịch thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các đại lý thu và người tham gia tuân thủ quy định về việc đóng BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH. Đặc biệt, khuyến khích người dân thực hiện gia hạn thẻ BHYT, đóng tiếp BHXH tự nguyện trên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC BHXH Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài chính các cấp và cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT đối chiếu, đôn đốc đóng tiền, làm việc, trao đổi thông tin bằng hình thức trực tuyến qua điện thoại, mail,Zalo, Facebook...
Với nhiệm vụ phát triển người tham gia, cơ quan BHXH và đại lý thu cần xây dựng kế hoạch về tuyên truyền, vận động duy trì, phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng trên CSDL người chưa tham gia BHXH, BHYT tiềm năng theo địa bàn cấp xã và danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT. Trong đó, kế hoạch phải cụ thể về chỉ tiêu, số lượng, tần suất tuyên truyền, phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức thực hiện. Sau đó, triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia theo kế hoạch đã xây dựng một cách đa dạng, phù hợp, hiệu quả; phương pháp, tài liệu tuyên truyền phải phong phú, phù hợp về nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ... Trong đó, bao gồm đa dạng các phương thức như: Tổ chức Lễ ra quân; thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi các bản tin, thông điệp truyền thông qua điện thoại, Zalo, Facebook, hệ thống loa truyền thanh cấp xã để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT…
Nắm bắt thị trường lao động để phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phải nắm bắt thông tin về thị trường lao động khu vực chính thức để tham gia đề xuất các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với khôi phục và phát triển NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, BHYT.
Đặc biệt, đối với các tỉnh, thành phố có nhiều NLĐ di chuyển về các địa phương khác, hằng tuần cần chủ động liên hệ với DN nắm bắt tình hình nhu cầu lao động (thiếu hụt lao động). Ngoài ra, BHXH các địa phương cần chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành liên quan báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi NLĐ đã làm việc quyết định các giải pháp hỗ trợ NLĐ quay trở lại làm việc để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển NLĐ tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.
Đối với các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận NLĐ từ địa phương khác, hằng tuần, BHXH địa phương cần chủ động liên hệ với DN nắm bắt tình hình nhu cầu lao động tại địa phương (phân theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động). Đồng thời, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các cấp chính quyền địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền về nhu cầu SDLĐ để NLĐ biết và tham gia vào thị trường lao động chính thức, gắn với phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Song song với đó, các địa phương cần tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 liên quan đến nhiệm vụ của Ngành.
Chuyển đổi trạng thái linh hoạt theo từng cấp độ dịch
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương cần xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể để thực hiện và bố trí CBVC, phân công nhiệm vụ chuyển đổi ngay trạng thái các hoạt động khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi cấp độ dịch, đặc biệt đối với việc chuyển đổi từ cấp độ cao đến cấp độ thấp, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và đạt hiệu quả cao nhất.
BHXH các địa phương cần xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất
Đồng thời, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, xây dựng kế hoạch cụ thể hằng tuần, hằng tháng; huy động CBVC thực hiện các giải pháp về thu và khai thác, phát triển người tham gia đảm bảo phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, số lượng các cuộc hội nghị khách hàng, số đơn vị, NLĐ cần điều tra và rà soát từ dữ liệu Thuế được giao... Tổ chức thực hiện phát triển đối tượng và chỉ tiêu thu theo Kế hoạch số 2800/KH-BHXH, Quyết định số 688/QĐ-BHXH, các quy trình, văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam trước đây và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Mục III Kế hoạch này.
BHXH các địa phương gửi danh sách nhu cầu số lượng NLĐ cần bổ sung do chủ SDLĐ đề xuất còn thiếu hụt, phân theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động về BHXH Việt Nam (Trung tâm Dịch vụ, chăm sóc khách hàng) để cập nhật thông báo trên ứng dụng VssID và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam về thông tin nhu cầu lao động. Báo cáo BHXH Việt Nam (qua Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ) những nội dung về công tác phát triển người tham gia vào ngày 15 và 30 hằng tháng theo Kế hoạch số 2800/KH-BHXH và thu BHXH, BHYT năm 2021. Báo cáo BHXH Việt Nam (qua Trung tâm Truyền thông) những kết quả về truyền thông phát triển người tham gia vào ngày 28 hằng tháng theo Kế hoạch số 2829/KH-BHXH.
Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ phân công cụ thể trách nhiệm cho từng CBVC trực tiếp làm việc tại địa phương để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng BHXH tỉnh, từng đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam được phân công tại Kế hoạch số 2800/KH-BHXH và Kế hoạch này với Lãnh đạo Ngành vào ngày 15 và ngày cuối cùng của tháng. Phối hợp với Vụ Thi đua-Khen thưởng và các đơn vị liên quan đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ công tác thu và khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan như: Trung tâm Truyền thông, Vụ Tài chính-Kế toán, Vụ Thanh tra-Kiểm tra, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, Trung tâm CNTT, Vụ Pháp chế... tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung theo kế hoạch.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...