Nhiều tín hiệu lạc quan trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021

05/03/2021 04:24 PM


Sáng 5/3, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan tháng 3/2021, để đánh giá kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ những tháng tiếp theo. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự còn có các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH TP.Hà Nội.

Những tín hiệu lạc quan

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã tiếp tục tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, việc làm của NLĐ. Do đó, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong năm 2021, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Trong 2 tháng đầu năm, toàn Ngành đã phát triển 98.037 người tham gia BHXH, đưa tổng số người tham gia tính đến ngày 28/2 lên con số 16,03 triệu người (đạt 32,27% lực lượng lao động trong độ tuổi); phát triển mới 1.445.187 người tham gia BHYT, nâng tổng số tham gia BHYT trong cả nước lên 86,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số; tăng mới 47.268 người tham gia BHXH tự nguyện... Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, số phát triển trong 2 tháng đầu năm vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT trong cả nước lên tới 26.592 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc xử lý đối với những đơn vị, DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, điều đáng lưu tâm chính là số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng...

Phân tích rõ hơn các con số trên, ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho biết: Một số địa phương có số đối tượng tham gia BHXH giảm so với cuối năm 2020, chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Nam. Tình trạng này không phải cá biệt so với quy luật hàng năm, do NLĐ thường có thói quen "nghỉ Tết" kéo dài. Năm nay, sự thiếu hụt lao động này phát sinh ở Bắc Ninh và Hải Dương, do diễn tiến mới của dịch Covid-19, khiến nhiều NLĐ chưa kịp quay trở lại nơi làm việc.

Tuy nhiên, ông Hào vẫn lạc quan về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 khi cho rằng, mặc dù chỉ số phát triển đối tượng chưa đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhiều DN ở phía Nam đang có nhu cầu tuyển dụng cao, nên dự báo số lao động sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dù dịch Covid-19 vẫn còn, nhưng sẽ giảm bớt áp lực so với năm trước, bởi các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ đã có sự khác biệt, việc khoanh vùng phong tỏa không quá rộng, nên giảm bớt tác động tiêu cực đến khối DN. Báo cáo của các cơ quan chức năng cũng cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế, sẽ mang lại thuận lợi hơn cho thực hiện chính sách của ngành BHXH Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Hào, với sự nỗ lực tích cực của toàn Ngành, đã có 5 địa phương tham mưu được cho cấp ủy ban hành Nghị quyết về phát triển đối tượng, 45 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và xây dựng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. "Đây là điều kiện quan trọng để BHXH các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, cả về phát triển đối tượng và giảm thiểu các vi phạm..."- ông Hào đánh giá.

Cũng theo ông Hào, các tháng còn lại của năm 2021, toàn Ngành cần phát triển thêm 1,6 triệu người tham gia BHXH; 847.545 người tham gia BH thất nghiệp và 1.888.301 người tham gia BHYT. Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đề nghị BHXH các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp, như: Cần thực hiện rà soát số liệu từ cơ quan Thuế và KH-ĐT làm căn cứ triển khai các hoạt động phát triển đối tượng. Rà soát, phân nhóm các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, để xác định các nhóm cần ưu tiên phát triển. "Chính sách hỗ trợ tham gia BHYT từ NSNN cho một số nhóm đối tượng đặc thù (người nghèo, cận nghèo, vùng khó khăn) sau một thời gian bị gián đoạn, đã được Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đang chỉ đạo BHXH các địa phương nhanh chóng thực hiện các thủ tục lập danh sách, cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng này. BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện các quy định về đại lý thu, đề xuất nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trong giải quyết nợ, chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị giải thể, phá sản..."- ông Hào thông tin.

Nỗ lực đảm bảo quỹ KCB BHYT được sử dụng hiệu quả

Chia sẻ tình hình sử dụng quỹ và thực hiện chính sách BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, Ban Thực hiện chính sách BHYT dã tiếp tục tham mưu với BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT. Việc KCB BHYT vẫn được đảm bảo và không bị ảnh hưởng; số chi KCB BHYT so với cùng kỳ năm trước không bị giảm nhiều.

Theo số liệu các cơ sở KCB đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám sát ngày 2/3/2021 (tại 63 tỉnh, thành phố) cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, số chi và số lượt KCB BHYT toàn quốc giảm so với cùng kỳ năm 2020 (số lượt giảm 10%, số chi giảm 4%); tuy nhiên chi phí bình quân 1 lượt KCB lại tăng khoảng 6% với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, Ban Thực hiện chính sách BHYT đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Y tế xây dựng phương thức thanh toán mới. Dự kiến, Thông tư hướng dẫn thực hiện phương thức thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRG) cho điều trị nội trú sẽ được ban hành vào cuối tháng 6/2021, Thông tư về thanh toán định suất cho KCB ngoại trú đang được Bộ Y tế xem xét, cũng sẽ sớm ký ban hành.

Cũng theo ông Phúc, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đánh giá lại phần quỹ dự phòng trong tương quan với mức chi KCB BHYT của các năm 2021-2024, để có đề xuất cụ thể với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho quỹ. Đáng chú ý, theo báo cáo từ các địa phương, thời gian qua, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị. "Chủ trương chung là chúng ta phải cố gắng sử dụng nguồn quỹ kết dư còn lại hiệu quả nhất, cố gắng để quỹ BHYT có khả năng cân đối trong thời gian này, bởi chưa thể đề xuất tăng mức đóng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn chung hiện nay..."- ông Phúc nhấn mạnh.

Ưu tiên hàng đầu cho quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT

Một vấn đề luôn được quan tâm là ứng dụng CNTT. Theo phản ánh từ các đơn vị, địa phương, việc hoàn thiện, nâng cấp một số phần mềm nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý; hệ thống phần mềm phục vụ quyết toán tập trung còn phát sinh lỗi, một số số liệu giữa các phần mềm chưa liên thông...

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị cần phải soát lại các phần mềm nghiệp vụ, để báo cáo về Trung tâm CNTT trước ngày 12/3. Nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu tất cả các đơn vị phải ứng dụng và sử dụng hiệu quả các phần mềm của Ngành như: Sử dụng dữ liệu trên hệ thống Data Warehouse cho thực hiện tổng hợp, báo cáo; cài đặt ứng dụng VssID...

Về công tác thu và phát triển đối tượng, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ phối hợp với Vụ KH-ĐT, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Truyền thông... xây dựng kế hoạch dài hơi 3 năm về phát triển đối tượng BHYT. Đồng thời, đề nghị tăng cường chức năng giám sát, kiểm tra của các đơn vị tại BHXH Việt Nam khi hướng dẫn cho các địa phương...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, năm 2021 có nhiều thách thức với ngành BHXH Việt Nam, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, bên cạnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định, toàn Ngành còn phải theo dõi sát tình hình thực tế để có đề xuất, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ người dân trong việc thụ hưởng quyền lợi, nhất là KCB BHYT. Tổng Giám đốc cũng lưu ý, trong khó khăn từ đại dịch Covid-19, người nghèo càng nhận thức hơn về vai trò của chính sách BHXH, BHYT đối với cuộc sống của mình. Do đó, họ cũng là nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm hơn trong việc phát triển BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, phương hướng nhiệm vụ mà BHXH Việt Nam đặt ra với BHXH các địa phương là triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ BHXH, BHYT trong tháng 3 và những tháng tiếp theo. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được BHXH Việt Nam phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT.

Cùng với đó, toàn Ngành phải quản lý chặt chẽ đối tượng hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, trợ cấp thất nghiệp; tăng cường, chủ động các biện pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở y tế. Toàn Ngành cũng phải tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (100% dịch vụ công của Ngành được thực hiện ở mức độ 4); tích hợp, cung cấp thêm các dịch vụ công của Ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, DN, NLĐ và người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng "VssID- Bảo hiểm xã hội số"; hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ, nhất là hệ thống phần mềm quyết toán tập trung; cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành.

Nhấn mạnh BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, việc sửa đổi Luật Thanh tra đang là cơ hội, yêu cầu chính đáng để BHXH Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chúng ta đang có đủ điều kiện để mở rộng chức năng thanh tra, như thanh tra việc KCB BHYT tại các cơ sở y tế...

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/