Các đơn vị cần ứng dụng CNTT một cách linh hoạt và hiệu quả

13/10/2020 08:24 AM


Chiều 12/10, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã làm việc với Trung tâm CNTT, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện một số đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam. Nhiều “đột phá” trong ứng dụng CNTT

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT và đã xây dựng được các phần mềm nghiệp vụ bao phủ hầu hết các hoạt động của Ngành. Đặc biệt, từ năm 2019, BHXH Việt Nam đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH, nên đã rút ngắn được thời gian giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải cách TTHC, hiện đại hóa hành chính như: Thiết lập các hệ thống thông tin, hệ thống giám định BHYT, CSDL chuyên ngành... Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; cũng như tạo nền tảng dữ liệu giúp đơn giản hóa TTHC cho người dân và DN.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC của BHXH Việt Nam đã đạt được kết quả cao. Cụ thể, giảm gần 90% số TTHC, từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 115 thủ tục (giai đoạn 2012-2014) và giảm xuống còn 27 thủ tục (năm 2019). Trong số 27 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 19 TTHC, trong đó 15 TTHC đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, Ngành cũng đã triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng qua số hotline 19009068; hệ thống Chatbot hỗ trợ trả lời khách hàng tự động bằng trí tuệ nhân tạo hay hệ thống tương tác đa phương tiện...

Với những nỗ lực trên của Ngành, người dân và DN đã nhận được nhiều lợi ích trong việc tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT. Đơn cử: Đã kịp thời tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian giao dịch cho DN, người dân với cơ quan BHXH. Những kết quả này được Chính phủ và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước năm 2019 vừa được Bộ TT-TT công bố cho thấy, trong khối cơ quan thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị dẫn đầu với chỉ số 0,904 điểm.

Cũng theo ông Bồng, năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp BHXH Việt Nam xếp ở vị trí này trong Bảng xếp hạng, được xây dựng trên cơ sở đánh giá điểm số cụ thể của từng hạng mục liên quan như: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động; trang/cổng thông tin điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT...

“Kết quả nêu trên không chỉ cho thấy những nỗ lực của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT với vai trò là một công cụ, giải pháp nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, tạo thuận lợi để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, vì lợi ích của người dân và DN”- ông Bồng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT, hiện nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện liên thông, kết nối với 63 Sở Y tế (12.309 cơ sở y tế) trong cả nước và đã đưa Hệ thống giám định BHYT điện tử đi vào hoạt động, giúp kiểm soát được chi phí và nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT. Đồng thời, giúp công tác cải cách TTHC trong KCB BHYT, hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Từ tháng 1/2017, Hệ thống thông tin giám định BHYT chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, hầu hết các quy trình nghiệp vụ được thực hiện tự động, giúp nâng cao chất lượng giám định; đồng thời giúp các cán bộ giám định tiết kiệm hàng trăm giờ làm việc mỗi năm. Bên cạnh đó, các nghiệp vụ tạm ứng, thanh quyết toán trong KCB BHYT của BHXH cấp tỉnh và BHXH cấp huyện cũng được thực hiện theo quy trình khép kín, có cơ chế kiểm soát, đối chiếu đảm bảo minh bạch, chính xác trong quản lý tài chính.

Cũng thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT, giúp cơ quan BHXH phát hiện và công khai các trường hợp lạm dụng quỹ BHYT như: Đi KCB nhiều lần, nhiều nơi trong ngày; thu dung người bệnh có thẻ BHYT để trục lợi… Từ đó, giúp BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, giám định lại các khoản chi BHYT; đồng thời giúp cơ sở KCB chủ động xem xét, chấn chỉnh công tác thống kê thanh toán và chỉ định sử dụng các DVYT.

“Với các thông tin được cập nhật, công khai, minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở KCB đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi KCB BHYT mỗi năm, góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT”- ông Đức cho biết.

Ứng dụng CNTT để có nhiều bước tiến

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trong việc triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý nghiệp vụ của Ngành. Đồng thời nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả những thành tựu đã đạt được cũng như tạo nên những bước tiến mới, đòi hỏi các đơn vị cần tiếp tục phát huy, ứng dụng hiệu quả CNTT hơn nữa.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, ngành BHXH đang quản lý CSDL rất lớn. Vì vậy, để khai thác hiệu quả nguồn CSDL này, các đơn vị cần ứng dụng CNTT một cách linh hoạt. “Với CSDL của người dân tham gia BHXH, BHYT lớn thì đây là lợi thế của Ngành. Nếu áp dụng CNTT và phối hợp hiệu quả sẽ tìm ra được dư địa lớn những đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý.

Đối với công tác giám định BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, toàn Ngành cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT để có thể đưa ra các mức độ cảnh báo khác nhau. Tùy theo mức độ cảnh báo để có sự đôn đốc, giúp các cơ sở y tế điều chỉnh, nhằm giảm thiểu tối đa các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BHYT. Đáng chú ý, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT phối hợp với Ban Thực hiện chính sách BHYT thường xuyên tổ chức các hội thảo, để các đơn vị giám định tại địa phương bàn bạc, đưa ra những giải pháp hiệu quả.

Còn đối với Trung tâm CNTT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng CSDL của Ngành đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu và phối hợp xây dựng Văn phòng điện tử…

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn