Nỗ lực thể hiện bản lĩnh, ý chí của CCVC ngành BHXH trong thực hiện nhiệm vụ
04/08/2020 02:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 4/8, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 8/2020 dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh. Cùng tham dự hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Đình Khương, Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; lãnh đạo các vụ, ban, đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và gần 2.400 CCVC ngành BHXH tại các điểm cầu địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã gửi lời cảm ơn tới toàn thể cán bộ, CCVC trong Ngành, thời gian qua đã quan tâm, tín nhiệm và đề xuất. “Hôm nay, lần đầu tiên trên cương vị này, tôi cảm ơn và mong muốn CCVC toàn Ngành cùng sát cánh, giúp tôi và giúp lãnh đạo Ngành hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, hội nghị lần này nhằm tập trung đánh giá những thách thức, hạn chế trong kết quả thực hiện chính sách trong 7 tháng đầu năm. Qua đó, thảo luận và đưa ra những giải pháp mang tính hiệu quả, bền vững để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 tháng còn lại của năm 2020.
Quyền lợi của người dân, NLĐ được đảm bảo
Báo cáo tại hội nghị, ông Chu Mạnh Sinh- Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm, toàn Ngành đã kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Đồng thời, thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người tham gia; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả. Tổ chức bộ máy BHXH các cấp tiếp tục được kiện toàn; nâng cao năng lực đội ngũ CCVC, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý của Ngành.
Tính đến hết ngày 31/7, toàn Ngành đã giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần (trong đó 475.577 người nghỉ việc hưởng BHXH 1 lần); 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Thanh toán chi phí KCB BHYT cho 92,490 triệu lượt người khám KCB nội trú và ngoại trú…
Đáng chú ý, đã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5/2020 vào cùng một kỳ chi trả, tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng nhận bằng tiền mặt, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid- 19 vừa bùng phát trở lại, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8, 9/2020 vào cùng một kỳ chi trả.
Nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19
Cùng với nhiều lĩnh vực khác, trước tình hình dịch Covid-19, với chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp tới các kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành. Đặc biệt là công tác thu và phát triển đối tượng.
Theo ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Thu, tính đến hết tháng 7, số người tham gia BHXH trên cả nước là 15,27 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, thấp hơn 2,5% so với chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 01/2020/NQ-CP của Chính phủ (33,5%). Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT và BH thất nghiệp đều giảm so với năm 2019. Có 27 tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu giao…
Cũng theo ông Hào, trước bối cảnh này những tháng cuối năm diễn biến phức tạp chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến công tác thu và phát triển đối tượng. “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành nghề dày da, du lịch, khách sạn… khiến những ngành này sẽ cắt giảm lao động và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu và phát triển đối tượng. Ngoài ra, hiện nay một số tỉnh đang thực hiện dãn cách xã hội, vì vậy cũng sẽ ảnh hưởng tới công tác này”, ông Hào nhận định.
Theo BHXH các địa phương, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ còn cao, trong đó nợ do NSNN đóng, hỗ trợ đóng có xu hướng tăng. Đến nay, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu, tỷ lệ nợ/số phải thu tăng 0,3% so với tỷ lệ nợ/số phải thu cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, việc xử lý nợ đối với DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với tình hình thực hiện chính sách BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế cho biết, mặc dù trong năm 2020 có thực hiện dãn cách xã hội nhưng tại một số tỉnh, thành phố vẫn xảy ra tình trạng chi KCB BHYT tăng cao. “Đây là các địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn để tránh tình trạng mất cân đối nguồn dự toán”- ông Phúc lưu ý. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn xảy ra trong tình hình dịch bệnh, do đó các địa phương cần phân tích kỹ tình trạng này của các cơ sở KCB để điều chỉnh dự toán nếu cần thiết.
Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP. HCM cũng cho biết, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới các DN trên địa bàn. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ có rất nhiều công ty giải thể, các DN giảm nhân lực khiến công tác thu và phát triển đối tượng, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gặp nhiều khó khăn với nhiệm vụ phải phát triển trên 200.000 người. Ngoài ra, hiện nay một số bệnh nhân mặc dù bệnh không quá nặng nhưng vẫn chuyển tuyến từ các tỉnh lên TP. HCM nên gây ra tình trạng gia tăng chi phí KCB của Thành phố so với năm 2019…
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ
Đánh giá những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 gây ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho rằng, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ giờ đến cuối năm sẽ rất khó khăn, mặc dù Ngành đã làm hết sức mình. Đối với phát triển BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, vẫn còn một số địa phương chưa khai thác hết tiềm năng tại địa phương mình. “Tại sao các địa phương khác làm tốt mà địa phương mình lại chưa tốt, Giám đốc các địa phương cần đặt câu hỏi cho mình và tìm lời giải”, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Để công tác phát triển đạt hiệu quả trong những tháng cuối năm, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị các địa phương tập trung cho phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Theo đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng tuần, từng địa bàn. Đặc biệt, cần làm tốt hơn nữa khâu chăm sóc khách hàng, tập trung cải cách TTHC, phục vụ người dân tốt hơn. “Phục vụ người dân có tốt thì mới giữ chân được người dân với chính sách. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm đối với mỗi CCVC ngành BHXH”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nêu rõ.
Trước tình hình nhiều tỉnh, thành phố có số chi KCB BHYT tăng cao, không đảm bảo nguồn dự toán, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc thực hiện công tác giám định BHYT. Đối với các địa phương có chi phí tăng cao do các nguyên nhân khách quan cần cân nhắc báo cáo để bổ sung nguồn dự toán phân bổ từ đầu năm.
Nhấn mạnh về công tác đổi mới phương thức thanh toán là vấn đề mang tính chất sống còn, liên quan đến tất cả quá trình giám định. Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị, ngoài 5 tỉnh thí điểm, các tỉnh, thành phố cần phải chuẩn bị tinh thần với phương thức thanh toán mới. Ngoài ra, các địa phương cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các giải pháp linh động để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đi KCB BHYT trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
Đề cập một số vấn đề phức tạp phát sinh trong công tác chi trả, giải quyết chế độ chính sách như tình trạng thu gom sổ BHXH để thanh toán chế độ 1 lần; còn bất cập trong kiểm soát giấy ủy quyền hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội… Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu BHXH các cơ quan truyền thông của BHXH Việt Nam và BHXH địa phương cần có chiến lược truyền thông ngay từ bây giờ để vận động, thuyết phục NLĐ không nhận BHXH 1 lần.
Đối với công tác chi trả lương hưu tháng 8/2020, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Với những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thì cần phối hợp với UBND tỉnh và Bưu điện thống nhất phương án chi trả tại nhà đảm bảo an toàn theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trong toàn Ngành. Tuy nhiên, do tác động từ dịch Covid-19 nên việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong 5 tháng cuối năm sẽ hết sức nặng nề. Các địa phương cần chủ động đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, từng CCVC ngành BHXH cũng cần phải thể hiện bản lĩnh và ý chí của mỗi cán bộ ngành BHXH, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển của Ngành.
"Đặc biệt, yêu cầu thực hiện phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả", Tổng Giám đốc nhấn mạnh. Đồng thời thường xuyên quán triệt cán bộ công chức, viên chức chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính trong việc thực thi công vụ, phục vụ nhân dân, người lao động ngày một tốt hơn...
Để phát triển người tham gia BHXH đạt hiệu quả, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các địa phương cần tập trung rà soát, chuẩn hóa số liệu nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để xác định những DN, NLĐ đang hoạt động như không tham gia BHXH.
Lưu ý về những nhóm tiềm năng hiện nay vẫn chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng cần phải phân nhóm rõ ràng từng địa phương để đưa ra phương án tuyên truyền phù hợp, vấn đề này, các địa phương cần có báo cáo tổng hợp trước ngày 30/8. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phối hợp với các đại lý tổ chức tuyên truyền hiệu quả theo chiều sâu, bền vững. “Chúng ta cần thực hiện tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị cốt lõi của chính sách từ đó tự nguyện tham gia. Đối với những cuộc phát động ra quân rất hiệu quả, tuy nhiên hải duy trì chứ không phải ra quân xong là thôi, cần lấy kết quả đó để làm hiệu ứng lan tỏa truyền thông”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.
Tổng Giám đốc nhấn mạnh, toàn Ngành cần tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT đối với những cơ sở y tế có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những DN chưa đóng BHXH; kịp thời phát hiện các đơn vị trốn đóng BHXH. Đồng thời, Trung tâm CNTT cần tiếp tục xây dựng, rà soát, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ nhằm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; liên thông, kết nối dữ liệu để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...