Thay đổi nhận thức và hành động, hướng tới BHXH toàn dân
23/05/2020 03:21 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân (tháng 5/2020) năm nay có ý nghĩa hơn khi từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến số người tham gia BHXH, BHYT nên việc tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trực tiếp để thu hút người dân tham gia vào hệ thống BHXH được xem là giải pháp quan trọng của ngành BHXH. Báo BHXH đã có cuộc phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu về công tác này.
* PV: Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, trong đó lấy tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Phó Tổng Giám đốc cho biết ý nghĩa của việc này?
- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu: Nhằm từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án về đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Việc Chính phủ thông qua và ban hành Đề án là căn cứ trên cơ sở quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là thực hiện BHXH toàn dân. Theo nội dung Đề án, các bộ, ngành và UBND các tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH, giúp người dân hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, trúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg chỉ đạo lấy tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân nhằm tạo điểm nhấn trong công tác truyền thông, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện. Theo đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người SDLĐ trong việc chủ động tham gia BHXH cho NLĐ.
Từ thực tiễn công tác truyền thông của Ngành thời gian qua cho thấy, việc tổ chức truyền thông theo chiến dịch sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực. Thông qua các hoạt động, sự kiện truyền thông được tổ chức đồng thời trên khắp cả nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ truyền thông trực quan, trực tiếp đến truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… sẽ tạo sự cộng hưởng, tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, trước hết là đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội, cộng đồng DN và NLĐ.
* Có thể nói, công tác truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc mở rộng phạm vi bao phủ và phát triển bền vững BHXH- điều này đã được minh chứng rõ khi trong năm 2019, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tăng cao. Tuy nhiên, năm nay dịch Covid-19 khiến mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH gặp khó khăn, thách thức. Vậy Phó Tổng Giám đốc nhận định như thế nào về những khó khăn mà Ngành phải đối mặt?
- Trong Nghị quyết 28-NQ/TW, Trung ương đã nhận định, mặc dù đạt được kết quả nhất định, nhưng việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm. Đồng thời, Nghị quyết cũng đưa ra nhiều nội dung cải cách và giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Ngay khi Nghị quyết 28 được ban hành, Chính phủ đã có Chương trình hành động; đồng thời ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, kèm theo nhiều giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, với dư địa để phát triển đối tượng tham gia BHXH còn rất lớn, đặc biệt là BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, trong đó tập trung vào BHXH tự nguyện. Vì vậy, đến hết năm 2019, cả nước đã có trên 15,767 triệu người tham gia BHXH, trong đó có trên 570.000 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng gần 300.000 người so với năm 2018)…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị, DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, NLĐ không có việc làm phải nghỉ việc; thu nhập người dân giảm nên không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong khi đó, các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cũng phải tạm hoãn để thực hiện giãn cách xã hội… dẫn đến số người tham gia BHXH, BHYT giảm. Cụ thể: Trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 14,419 người tham gia BHXH bắt buộc (giảm 780.000 người so với năm 2019) và có 557.000 người tham gia BHXH tự nguyện (giảm 16.000 người so với năm 2019)…
* Năm 2020 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân- trong bối cảnh bị tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19. Chúng ta kỳ vọng gì khi phát động Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân?
- Phải nói rằng, công tác truyền thông về BHXH luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi chính sách này có tính đặc thù, đó là hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trong dài hạn, các chế độ được thực hiện theo nguyên tắc đóng- hưởng, có tính chia sẻ với nhau. Bên cạnh đó, việc tính toán chế độ dựa theo nhiều yếu tố kỹ thuật; từng trường hợp cụ thể có những quyền lợi, mức hưởng riêng…
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân
Thực tiễn cho thấy, phải mất quá trình rất lâu người dân mới có thể hiểu, cảm nhận được lợi ích thiết thực của chính sách BHXH. Chính vì vậy, Đề án của Chính phủ xác định mục tiêu hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ được lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH. Theo đó, nội dung cải cách chính sách BHXH được xác định là vấn đề gốc và cốt lõi; phải thực hiện theo lộ trình với nhiều quy định mới. Ngay trong quá trình thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, các vấn đề xây dựng chính sách đang ở trong giai đoạn đầu nên nhiều chủ trương, định hướng cần phải được hiện thực hóa, từ đó nội dung truyền thông sẽ được cụ thể và rõ ràng hơn.
Năm nay là năm đầu tiên thực hiện Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Tuy bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 song chúng tôi vẫn kỳ vọng, với sự quan tâm sâu sắc và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sẽ góp phần tạo thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban ngành, tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH.
Đặc biệt, trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh thời gian qua, nhiều NLĐ đã thấy rõ tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, thông qua những chính sách, chế độ rất cụ thể như: Được KCB BHYT, được hưởng trợ cấp thất nghiệp… Vì vậy, trong Tháng vận động này, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp tới đối tượng là nông dân, NLĐ khu vực phi chính thức về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện; những rủi ro khi không tham gia… Từ đó, thay đổi nhận thức và hành động của mỗi người nhằm chủ động đảm bảo ổn định cuộc sống.
Chúng tôi cũng dự kiến, sẽ phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện trong và sau Lễ ra quân đạt tối thiểu 50 người/huyện, phấn đấu hoàn thành 50% chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và 6 tháng đầu năm. Đồng thời, phát huy vai trò của cơ quan BHXH và Bưu điện các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện để gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao.
* Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
Vũ Thu (Thực hiện)
Với chủ đề “Chính sách BHXH- Điểm tự an sinh của NLĐ và nhân dân”, Lễ ra quân Tháng vận động tham gia BHXH toàn dân được tổ chức trên phạm vi toàn quốc vào 8 giờ sáng ngày 23/5/2020 với những thông điệp như: Đảng và Nhà nước chăm lo cuộc sống nhân dân thông qua chính sách BHXH; Cả nước chung tay thực hiện BHXH toàn dân; Tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu hàng tháng và chăm sóc sức khỏe khi về già; Hãy tham gia BHXH vì sự ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình; BHXH tự nguyện- chỗ dựa vững chắc của NLĐ tự do…
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...