Bộ Y tế và BHXH Việt Nam: tăng cường phối hợp nhằm phục vụ tốt nhất sức khỏe của Nhân dân
26/02/2020 09:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 25/02, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh thành, thành phố Trung ương. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Trường Sơn, Trương Quốc Cường, Đỗ Xuân Tuyên.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại điện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; Tổ chức Y tế thế giới và các đơn vị liên quan tham dự Hội nghị.
Tại các điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số Sở, Ban, Ngành của tỉnh, thành phố, Sở Y tế; BHXH, các đơn vị y tế thuộc địa phương trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị
Tỷ lệ bao phủ BHYT vượt chỉ tiêu Chính phủ giao
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Lĩnh vực y tế đạt và vượt 8/11 các chỉ tiêu cơ bản. Bộ Y tế đã tiếp tục triển khai và hoàn thành một số nhiệm vụ của các Nghị quyết Trung ương về công tác y tế, dân số. Phòng chống dịch bệnh chủ động, không để dịch lớn xảy ra. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị y tế có chất lượng và giá hợp lý cho việc khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Đẩy mạnh đấu thầu tập trung thuốc, thí điểm đấu thầu tập trung vật tư y tế, góp phần giảm giá thuốc. Ứng dụng rộng rãi CNTT trong quản lý bệnh án, theo dõi hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý Quỹ BHYT, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, đổi mới cơ chế tài chính y tế.
Thực hiện ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT, sử dụng tại trên 12 nghìn cơ sở y tế. Hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trích chuyển dữ liệu lên Cổng Tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, triển khai đào tạo cho nhân viên các cơ sở y tế. Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT, quản lý cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Phối hợp với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam xây dựng và ban hành Thông tư giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở mới. Tiếp tục rà soát, phân loại dịch vụ, khảo sát, điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật và xây dựng giá dịch vụ bao gồm cả chi phí quản lý. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Năm 2019, đã sử dụng khoảng 32 nghìn tỷ đồng chi sự nghiệp y tế (chiếm khoảng 35%) để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia BHYT. Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn chỉnh phương thức thanh toán theo định suất, triển khai thí điểm phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, tỷ lệ tham gia BHYT tăng từ 88,5% năm 2018 lên 90% năm 2019 (85,390 triệu người), có khoảng 180 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT.
Phục vụ tốt nhất người dân khám chữa bệnh BHYT
Trong năm 2020, Bộ Y tế cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu chung như làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh và góp phần tăng tuổi thọ người dân, cải thiện các chỉ số sức khoẻ cơ bản. Đặc biệt, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 90,7% dân số.
Bộ Y tế cũng đề xuất, các Ủy ban của Quốc hội ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong việc sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh. Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, Bộ Y tế đề nghị được đưa ra một số nội dung liên quan đến khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trong Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
Bộ Tài chính xem xét nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ của y tế địa phương. Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế tại địa phương, tập trung kiểm tra giám sát các cơ sở y tế trong hoạt động khám, chữa bệnh, thực hiện giá dịch vụ y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đầu tư xây dựng, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị, xã hội hóa, sử dụng Quỹ BHYT để chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm nếu có. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã được Thủ tướng giao. Đảm bảo ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng nhà nước hỗ trợ 100%; ưu tiên bố trí ngân sách để hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình có thu nhập trung bình tham gia BHYT; thúc đẩy bao phủ BHYT đối với học sinh, sinh viên…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, BHXH Việt Nam đồng thuận và nhất trí cao với sự chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và hiệu quả hơn với ngành Y tế tại địa phương, góp phần cùng với ngành Y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020.
Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, tình hình tổ chức khám chữa bệnh BHYT năm 2020 có nhiều tín hiệu đáng mừng. Hiện nay, hầu hết các địa phương đã hoàn thành công việc theo đúng mốc thời gian quy định tại Nghị định 146/NĐ-CP. Tính đến ngày 31/12/2019, Hợp đồng KCB BHYT năm 2020 cơ bản đã được ký kết giữa các cơ sở KCB và cơ quan BHXH các cấp. Tuy nhiên, đối với một số các cơ sở KCB còn lại chưa tham gia ký kết Hợp đồng, cơ quan BHXH đang tiếp tục phối hợp với Sở Y tế địa phương để thống nhất được giải pháp khắc phục sớm nhất, giúp đảm bảo quyền lợi của cơ sở KCB, nhân viên y tế và quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT đăng ký KCB tại cơ sở.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, việc cập nhật, đảm bảo đúng cơ sở pháp lý của danh sách người đăng ký hành nghề trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế và Sở Y tế, theo đúng quy định của Nghị định 146 và quy định của pháp luật về KCB BHYT là cơ sở pháp lý rất quan trọng để đảm bảo các chi phí DVYT cung cấp cho người bệnh được giám định và thanh toán kịp thời.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2020 là quyết toán chi phí KCB năm 2019, theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2019 theo Quy định mới của Nghị định 146, trong đó có những điểm hết sức mới, thậm chí có thể gây nên sự lúng túng trong thực hiện của cả cơ sở KCB và cơ quan BHXH. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH.
Về việc triển khai thực hiện dự toán KCB BHYT năm 2020, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho rằng, rất cần sự chủ động, điều tiết của Bộ Y tế, sự phối hợp giữa BHXH Việt Nam cũng như của các cơ sở KCB để quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, với tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đang tích cực triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, sẵn sàng cùng với ngành Y tế và toàn xã hội phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố ứng đầy đủ nguồn kinh phí KCB của quý I. Gần đây nhất, BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thống nhất với ngành Y tế về vấn đề trong quy định cần bổ sung nguồn kinh phí đặc thù cho việc chống dịch. Nếu các địa phương nhận thấy cần thiết phải có nguồn kinh phí phòng, chống và dập dịch thì cần sớm cho ý kiến để BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo HĐQL BHXH Việt Nam và chủ động nguồn kinh phí trong năm 2020 để phòng chống dịch bệnh.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Ngành Y tế là Ngành liên quan đến sức khỏe của Nhân dân, vì vậy phải hết sức lắng nghe dân, vì sức khỏe của người dân, phải cố gắng làm tốt và làm tốt hơn nữa. Ngành Y tế cần phải rút ngắn thời gian chờ đợi, giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tránh tình trạng tiêu cực xảy ra ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc nhân dân. Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế đẩy mạnh minh bạch hóa từ quy trình, thu, chi hưởng lương trong bệnh viện, công bằng giữa các bộ phận và phải kết nối chặt chẽ với BHXH; trong đó duy trì được nét làm việc mới, đó là giao ban Bộ Y tế có BHXH Việt Nam dự và tại địa phương giao ban Sở Y tế mời BHXH tỉnh dự. Phó Thủ tướng nêu, mỗi một cơ quan có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng với mục tiêu chung là phục vụ tốt nhất đời sống, sức khỏe Nhân dân.../.
Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...