1/4 thế kỷ vững vàng trụ cột an sinh: Kỳ 2. Những dấu ấn trên hành trình 25 năm
15/02/2020 09:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, công tác BHXH, BHYT, BHTN đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN từng bước được hoàn thiện, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phạm vi, số lượng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật đã từng bước được mở rộng đến mọi người dân, người lao động trong các thành phần kinh tế. Nếu như năm 1995, ngành BHXH mới quản lý 2,2 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc thì đến cuối năm 2019, số người tham gia BHXH là 15,7 triệu người. Năm 2008, có 6 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện thì đến cuối năm 2019, có 574 nghìn người tham gia; số người tham gia BHYT tăng từ 13 triệu người năm 2003 (năm sáp nhập BHYT Việt Nam về BHXH Việt Nam) lên 85,9 triệu người năm 2019. Đặc biệt, chỉ trong năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng gần 300 nghìn người, lớn hơn số người tham gia của 10 năm trước. Đây là tiền đề hết sức quan trọng trong việc thực hiện lộ trình BHXH, BHYT toàn dân và BHXH theo mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Cùng với việc mở rộng đối tượng, bằng các giải pháp chỉ đạo quyết liệt và sự nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức, hàng năm, toàn Ngành luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu BHXH, BHYT được Chính phủ giao. Từ năm 1995 đến nay, số thu BHXH, BHYT, BHTN luôn tăng. Riêng năm 2019, số thu đạt trên 368 nghìn tỷ đồng.
Từ năm 1995 đến nay, cơ quan BHXH đã giải quyết cho trên 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng, trên 10,5 triệu lượt người hưởng các khoản trợ cấp BHXH một lần, trên 106 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; đã chi trả cho trên 3,2 triệu lượt người hưởng các chế độ BHTN. Công tác quản lý đối tượng hưởng, lưu trữ hồ sơ đã được thực hiện số hóa, đảm bảo an toàn, khoa học và thuận tiện tra cứu. Ngành cũng đã chủ động tích cực phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và chính quyền địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT cho 92 triệu người với 24 triệu hộ gia đình. Đồng thời cấp cho mỗi người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN một mã số duy nhất để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông giữa các phần mềm.
Quyền lợi người tham gia BHYT được đảm bảo. Mỗi năm có hàng trăm triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT với chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, thủ tục khám, chữa bệnh được cải tiến, thuận lợi. Quỹ BHYT đã trở thành một nguồn tài chính quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn chi cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngành cũng như tạo sự thuận lợi, hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, những năm qua, công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Nếu năm 2009, số TTHC của ngành là 263 thủ tục, thì đến nay chỉ còn 27 thủ tục. Nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin... Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
Với những kết quả đạt được nêu trên, theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngành BHXH đang đứng thứ 2. Đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với báo cáo năm 2017). Trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190. Hai năm liền, BHXH Việt Nam giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT dành cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Mặc dù vậy, công tác BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ, khắc phục: Diện bao phủ BHXH mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động, số người tham gia BHYT tuy đã đạt gần 90% dân số nhưng chưa thật bền vững. Tình trạng lạm dụng BHXH, BHYT, BHTN; tình trạng chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN còn diễn ra ở một số địa phương. Các cấp ủy Đảng, chính quyền một số ít nơi còn chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và BHXH địa phương trong việc thực hiện chế độ có lúc, có nơi chưa nhuần nhuyễn, chặt chẽ. Công tác khám, chữa bệnh BHYT – dù đã cải thiện nhiều – song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh còn gây bức xúc cho người bệnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa như mong muốn... Đây là những vấn đề đã được Ngành BHXH xác định và luôn tìm giải pháp khắc phục./.
theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...