Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Quyết liệt hướng tới BHYT toàn dân

06/06/2016 06:32 AM


Như tin đã đưa, sáng 3/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân.

Thành phần dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có: Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQVN; các Bộ: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam, KH&ĐT, TT&TT, Nội vụ; Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam...

Dự hội nghị tại điểm cầu các địa phương gồm có: Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội; lãnh đạo các Sở: Y tế, Tài chính, BHXH, đại diện một số BV tuyến Trung ương và địa phương, các hội đoàn thể...



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị

Nhiều kết quả trong thực hiện chính sách BHYT

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nâng cao tỉ lệ người dân tham gia BHYT tiến tới BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng gặp nhiều khó khăn được Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm... Đây là một trong những việc quan trọng nhất để bảo đảm an sinh xã hội.

Sau gần 25 năm thực hiện chính sách BHYT, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả; chính sách pháp luật về BHYT đã được hoàn thiện, đối tượng tham gia được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, tỉ lệ tham gia đã lên đến hơn 76%. Đây là những tiến bộ rất đáng mừng cho thấy công tác mở rộng BHYT đã được chú trọng, quan tâm nhưng các bộ ngành, địa phương cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, cao hơn nữa.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo và đề xuất một số kiến nghị để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo Nghị quyết 21 của Đảng về một số vấn đề trong công tác BHXH, BHYT, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý lĩnh vực này.

Để hoàn thành mục tiêu sớm bao phủ BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ tới 2020, với định hướng tới năm 2020 có ít nhất 90% người dân có BHYT. Cụ thể, đề nghị Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cơ chế chính sách; BHXH Việt Nam chủ động mở rộng mạng lưới thu BHYT, tạo cơ chế linh hoạt đối với một số đối tượng; Các Bộ ngành liên quan như: Bộ Y tế,  Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT có các chỉ đạo kịp thời trong thực hiện chính sách này; Các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, đưa nội dung phát triển đối tượng BHXH là chỉ tiêu phát triển KTXH hằng năm, 5 năm, huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng cần hỗ trợ…

BHXH Việt Nam đang nỗ lực triển khai hệ thống thông tin giám định thanh toán BHYT, đến nay, BHXH đã cơ bản tập huấn vận hành cho các cán bộ, công chức. Hệ thống tin học hoá giám định thanh toán chi trả BHYT tại 14.000 cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc sẽ được liên thông đồng bộ trước ngày 30/6/2016.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2016 là năm thứ hai triển khai Luật BHYT, thể hiện sự thay đổi trong tư duy và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong phát triển BHYT toàn dân.

Năm 2015, tỉ lệ BHYT đạt 76,52%, để tăng tỉ lệ và tính hấp dẫn của BHYT, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thu hút người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải BV, cải cách, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh khoảng 50 phút, ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng BV, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế...

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đổi mới cơ chế tài chính, quy định thống nhất giá đổi mới tài chính, giá dịch vụ khám chữa bệnh, trước mắt là hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật đối với người bệnh có thẻ BHYT, đã góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhưng không ảnh hưởng đến chính sách xã hội, người nghèo, vùng khó khăn, làm tăng quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT đồng thời từng bước thu hút thêm người dân tham gia BHYT...

Xem xét hỗ trợ cho đối tượng tham gia BHYT

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: ở các nước tiên tiến, người nào không có BHYT mà có bệnh thì cực kỳ nguy hiểm. Vì thế Quốc hội đã thảo luận và khẳng định tinh thần là nước ta phải xây dựng BHYT toàn dân.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để thực hiện được điều này, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Ngành y tế và hệ thống y tế phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà trước tiên là không được phân biệt giữa người khám bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ.

Với những đối tượng được ngân sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần như người nghèo, trẻ em, nông dân, ngư dân… Phó Thủ tướng đưa dẫn chứng, vừa qua, khi ngân sách địa phương cùng hỗ trợ với ngân sách Trung ương thì tỉ lệ tham gia BHYT tăng lên. Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem xét phương án mở rộng hỗ trợ người tham gia BHYT tự nguyện.

Tại Hội nghị, đại diện một số Bộ, ngành liên quan như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam,… đều thống nhất quan điểm, BHYT là chính sách lớn, là một trụ cột bảo đảm an sinh xã hội. Về giải pháp, đại diện của các Bộ, Ngành đều nhất trí với quan điểm của lãnh đạo Chính phủ là quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giám định và thanh toán BHYT; Tăng cường công tác tuyên truyền đề người dân hiểu; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Tăng cường hỗ trợ người dân và đặc biệt là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt trong thực hiện chính sách này.

Ý kiến các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai… đều cho rằng, để hút người dân tham gia BHYT, điều quan trọng đầu tiên là phải nâng cao chất lượng khám chữa BHYT; Nâng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thêm 20% (hiện mới hỗ trợ 30%), hỗ trợ các đối tượng tham gia theo hộ gia đình thêm 10%; Cải tiến quy trình thanh toán, trong đầu tư cơ sở vật chất khám chữa bệnh…

Phấn đấu năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, BHYT là bắt buộc, đã được luật định. Đây là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân. Nước ta hướng tới BHYT toàn dân, phấn đấu đến 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT, BHXH Việt Nam tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT. Ngay trong năm 2016, sử dụng nguồn kinh phí kết dư của BHXH Việt Nam để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. BHXH Việt Nam kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh để tạo điều kiện thanh toán, cũng như khám chữa bệnh thuận lợi hơn.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT, không phân biệt đối với người bệnh được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khám, chữa bệnh và giảm chi từ tiền túi của người bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát.

Các tỉnh, thành phố đưa tỉ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thông tin, báo chí làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân nhận thức đúng về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT.

Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục vận động hội viên, đoàn viên, vận động các tổ chức, người có điều kiện hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Đồng thời, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội giám sát việc vận động, thực hiện Luật BHYT.

Theo baohiemxahoi.gov.vn