Hợp tác xã - kênh hỗ trợ việc làm cho lao động địa phương
23/08/2022 01:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mở thêm dịch vụ kinh doanh là cách các HTX tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong ảnh: Lao động tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) đang cải tạo kênh mương giúp ổn định sản xuất. Ảnh: CTV
Không chỉ tạo việc làm trực tiếp cho thành viên, con em thành viên, HTX còn ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ giúp duy trì việc làm tăng thu nhập.
Tạo việc làm
Mở thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài (huyện Phú Hòa) tạo việc làm trực tiếp cho 15 lao động là thành viên, con em thành viên trong HTX. Theo ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc HTX, ngoài số lao động cố định là 15 người thì vào mùa du lịch, HTX phải thuê thêm từ 5-10 người, chủ yếu là lao động địa phương. “Nơi đây là vùng sản xuất nên ngoài trồng trọt, chăn nuôi, người dân không có thu nhập gì thêm.
Để có việc làm những lúc nông nhàn, bà con phải đi TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác làm thuê. Cách hiệu quả nhất để thay đổi bộ mặt nông thôn chính là tạo việc làm tại chỗ. HTX hướng tới đa dạng dịch vụ cũng nhằm tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân”, ông Dũng chia sẻ.
Còn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa), ngoài lao động hành chính 10 người, HTX còn duy trì lực lượng lao động 237 người cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Ông Phạm Đức Hậu, Giám đốc HTX này, cho biết: Từ dịch vụ thủy nông, HTX tạo việc làm cho 37 lao động theo chế độ hợp đồng 5 năm. Những lao động này được HTX hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế 800.000 đồng/người/năm, bảo hiểm tai nạn 35.000 đồng/người/năm và bảo hiểm xã hội 1,4 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh của HTX như cơ sở bóc vỏ hạt điều, xưởng mộc, cơ sở thu mua và sơ chế nhựa phế liệu… cũng duy trì khoảng 200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. “HTX đang phát triển sản phẩm gạo chất lượng cao Hòa Thành. Quy mô còn nhỏ nên HTX vẫn đang tận dụng lao động tại chỗ. Trong tương lai, khi được đầu tư, đơn vị sẽ hoàn thiện dây chuyền sản xuất chế biến như khử lẫn, xay xát, đóng gói… và cả vận chuyển bán sản phẩm. Từ đây, HTX sẽ cần thêm lao động để vận hành”, ông Hậu cho biết thêm.
Theo ông Đinh Văn Chín, một lao động làm công tác thủy nông tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành, mỗi năm có hai vụ lấy nước, những lúc hạn hay mưa lũ thì công việc vất vả hơn. Ngoài hỗ trợ lương, thủy nông viên của HTX còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác, đặc biệt khi hoàn thành tốt nhiệm vụ còn được HĐQT HTX tặng giấy khen.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), toàn tỉnh có 132 HTX nông nghiệp, thu hút hơn 100.000 thành viên, tạo việc làm cho hơn 1.300 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: Một trong những đóng góp quan trọng của các HTX nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới đó là tạo việc làm, ổn định đời sống người dân vùng nông thôn.
So với các doanh nghiệp thì lượng lao động trực tiếp làm việc cho HTX chưa nhiều, bởi hoạt động tại đây vẫn chủ yếu là sản xuất, chưa phát triển mạnh lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ… Tuy nhiên, các HTX lại tạo việc làm gián tiếp cho rất nhiều lao động nông nghiệp thông qua quản lý sản xuất giúp duy trì hoạt động vùng nông sản truyền thống.
Duy trì công việc
Theo anh Huỳnh Quốc Trung, thành viên HTX Vận tải khách du lịch Yên Phú (TP Tuy Hòa), nhờ HTX đứng ra lo các thủ tục giấy tờ hành chính nên chúng tôi yên tâm khi lưu thông trên đường. Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều xe phải nằm nhà vì không đủ điều kiện lăn bánh thì đầu xe thành viên của HTX nhờ được cấp mã QR luồng xanh vận tải điện tử kịp thời nên vẫn hoạt động bình thường. Công việc được duy trì nên chủ xe có thu nhập.
Nơi đây là vùng sản xuất nên ngoài trồng trọt, chăn nuôi, người dân không có thu nhập gì thêm. Để có việc làm những lúc nông nhàn, bà con phải đi TP Hồ Chí Minh và những thành phố khác làm thuê. Cách hiệu quả nhất để thay đổi bộ mặt nông thôn chính là tạo việc làm tại chỗ. HTX hướng tới đa dạng dịch vụ cũng nhằm tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Ngô Quốc Dũng
Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài
Ông Nguyễn Diễn, Giám đốc HTX này, cho biết: Với hơn 400 đầu phương tiện kinh doanh vận tải, hàng năm HTX hỗ trợ duy trì việc làm cho rất nhiều lao động. HTX thường xuyên ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ quản lý đáp ứng yêu cầu của ngành GT-VT cũng như của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, nhằm tạo điều kiện tốt nhất về mặt thủ tục giúp duy trì hoạt động của các đầu xe thành viên trong mọi hoàn cảnh.
Còn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), ngoài 28 lao động cố định, HTX còn giúp duy trì việc làm cho thành viên thông qua hợp đồng thời vụ. Theo ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX này, từ các dịch vụ phục vụ sản xuất, HTX tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong xã.
Cụ thể, vào đầu vụ lúa, HTX hợp đồng 68 máy cày để đảm bảo đất được làm đồng bộ, đáp ứng lịch gieo sạ kịp thời vụ. Hay khi lúa chín đồng, HTX cũng hợp đồng 48 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa nhanh gọn, giảm thiểu thất thoát, giảm chi phí... Các phương tiện này đều thuộc sở hữu của thành viên. HTX làm đầu mối thuê lại, giúp chủ máy tận dụng tối đa công suất, đồng thời có thêm thu nhập.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh có 168 HTX, hai liên hiệp HTX đang hoạt động. Các đơn vị này giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Đây là số lao động thường xuyên trong HTX. Ngoài ra, các HTX còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đóng góp này của HTX có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ vững ổn định để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo https://baophuyen.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình