Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch
25/08/2021 03:06 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 24/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 23/6 đến 18 giờ ngày 23/8, dưới sự đồng chủ trì của các đồng chí: Phạm Đại Dương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Tham dự hội nghị tại điểm cầu chính UBND tỉnh có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tấn Hổ, Hồ Thị Nguyên Thảo, Đào Mỹ và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Tham dự tại điểm cầu trực tuyến có lãnh đạo các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế phát biểu tại hội nghị
Bước đầu khống chế được tình hình dịch
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh,13 giờ 30 ngày 23/6/2021 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa báo cáo cho Sở Y tế Phú Yên 01 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 (BN13960) là người dân tỉnh Phú Yên. Bệnh nhân có địa chỉ thường trú: thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa (quán cơm Yến Nam). Đây là F1 của ca bệnh BN12190 của thành phố HCM. Xuất phát điểm của đợt dịch này xảy ra tại quán cơm Yến Nam có liên quan đến nhiều địa điểm nguy cơ như các chợ đầu mối, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phòng khám Đức Tín. Với biến thể virus Delta lây lan rất nhanh và mạnh, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
Để đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế đã thiết lập 09 bệnh viện dã chiến; khả năng thu dung 1.700 bệnh nhân để điều trị. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên có 70 giường ICU. Ngoài ra, các địa phương đã thiết lập 90 cơ sở cách ly tập trung với sức chứa khoảng 7.000 người; thiết lập 08 chốt kiểm dịch ở các cửa ra vào tỉnh trên các tuyến quốc lộ.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết: Hiện nay đã có 5/9 huyện, thị xã trong tỉnh qua 14 ngày không có trường hợp F0 ngoài cộng đồng là các huyện: Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu. Đây là tín hiệu khá khả quan trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh. Tuy nhiên, một số khu vực tại thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa và thị xã Đông Hòa còn phát hiện F0 ngoài cộng đồng với nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau. Điều này cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch nếu chủ quan.Để khẩn trương tách F0 ra khỏi cộng đồng, lực lượng chức năng đã truy vết được 8.250 trường hợp F1 và 21.471 trường hợp F2; phong tỏa 76 khu vực dân cư. Công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 được nâng cao với tổng số mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh là 761.508 mẫu. Khi dịch mới bắt đầu thì toàn tỉnh Phú Yên chỉ có 01 phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR chỉ thực hiện được 200 mẫu/ngày. Đến nay đã lập thêm 02 phòng xét nghiệm với 04 máy PCR, 02 máy tách chiết tự động. Năng lực xét nghiệm đã được nâng lên hơn 4.000 mẫu đơn/ngày, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm diện rộng hiện nay của tỉnh.
Màn hình trực tuyến tại các điểm cầu
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, qua 2 tháng chống dịch COVID-19, tại một số địa phương của tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Công tác tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành, quy định về phòng, chống dịch tại một số nơi còn chưa nghiêm, lúng túng và không nhất quán; còn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Công tác đảm bảo hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” ở các địa phương chưa được chuẩn bị trước dẫn đến thiếu vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ phòng, chống dịch, nhất là về nhân lực y tế, thiết bị xét nghiệm, điều trị. Công tác điều hành truy vết, lấy mẫu chưa khoa học. Một số người dân chưa hợp tác trong khai báo dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Cùng với đó, một số nơi có hiện tượng thả lỏng việc cấp giấy đi đường cho người dân khiến cho việc kiểm soát dịch khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương ghi nhận và biểu dương các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch, bước đầu khống chế được tình hình dịch bệnh. Mặc dù công tác phòng, chống dịch có tín hiệu khả quan nhưng cả hệ thống chính trị không được lơ là, chủ quan. Cần tiếp tục thực hiện nghiêm “5K+vắc xin+công nghệ thông tin” trong chống dịch COVID-19. Với phương châm “chống dịch như chống giặc” các địa phương phải chủ động các phương án chống dịch theo tinh thần sớm hơn một bước và nhanh hơn một bước. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành y tế đảm bảo an toàn cho y bác sĩ và những người tham gia tuyến đầu chống dịch; đồng thời vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; yêu cầu các sở, ngành, địa phương tính đến phương án “sống chung” với dịch bệnh; tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng; chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới; chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai khi mùa mưa tới và đảm bảo an sinh xã hội...
Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Đồng thời yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống dịch, sớm khắc phục để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian đến.
Đối với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch trong thời gian đến tại các địa phương, qua ý kiến đề xuất của các địa phương và qua phân tích, đánh giá của ngành Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa và 4 xã nguy cơ rất cao của huyện Tuy An gồm: An Mỹ, An Chấn, An Hòa Hải và An Hiệp. Các địa phương còn lại áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tưởng Chính phủ. Thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo các Chỉ thị này đến hết ngày 5/9. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg cần phải có kế hoạch lấy mẫu nhanh, gọn và khoa học để tách hết F0 khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt việc đi lại, di chuyển của người dân trong các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội. Đối với công dân được đón từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về cần được cách ly, giám sát để tránh lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.
Liên quan đến công tác tiêm chủng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh rà soát chọn đúng đối tượng, nhóm đối tượng, địa bàn triển khai hoạt động tiêm chủng để đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm công nghệ trong công tác phòng, chống dịch; tăng cường tuyền truyền các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe.
Sở Lao động – Thương Bình và Xã hội phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh...
Theo https://phuyen.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình