Quy hoạch phát triển Phú Yên: Bền vững trên ba trụ cột
13/10/2020 08:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm hướng đến phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Tỉnh Phú Yên đã khởi động giai đoạn phát triển mới bằng việc mời đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Việc quy hoạch nhằm hướng đến phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Khu nghỉ dưỡng Việt Beach Resort Phú Yên.
Từ quy hoạch vùng tỉnh
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, ông Huỳnh Lữ Tân cho biết, dựa trên cơ sở Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Phú Yên đã được phê duyệt, thời giai qua, tỉnh Phú Yên đã xác định các chiến lược phát triển lấy kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực chính. Dựa vào mô hình này, toàn tỉnh Phú Yên có 3 trục định hướng chính, gồm trục đô thị ven biển, trục đô thị Đông - Tây, trục đô thị Bắc - Nam ở phía Tây.
Chiến lược thứ nhất là phát triển trục đô thị ven biển, coi đây là trục động lực chính, với chuỗi đô thị ven biển Sông Cầu - Tuy An - Tuy Hòa - Đông Hòa. Với chiều dài 189 km bờ biển, dân số trên 500.000 người (chiếm khoảng 54% toàn tỉnh), khu vực này chiếm tới trên 75% tiềm lực kinh tế của tỉnh.
Có thể nói, đây là khu vực kinh tế trọng điểm, có trình độ phát triển cao nhất tỉnh... khi hội tụ được nhiều dự án động lực có tính lan tỏa mạnh, như các dự án du lịch tại Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, Khu nghỉ dưỡng cao cấp bãi Từ Nham, Khu du lịch cao cấp đảo Hòn Nưa, Hòn lao Mái nhà, Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm, Khu du lịch tâm linh sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ, Khu du lịch liên hợp cao cấp NewCity Việt Nam, các dự án du lịch ven biển TP. Tuy Hòa...
Đặc biệt, Dự án Việt Beach Resort Phú Yên do Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Tân Việt An làm chủ đầu tư, phát triển theo mô hình khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư 560 tỷ đồng là một trong những dự án nghỉ dưỡng nổ phát súng đầu tiên góp phần nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ của Phú Yên thời gian vừa qua.
Từ quy hoạch đô thị hướng biển, Phú Yên đang tiến hành quy hoạch tổng thể theo hướng mở liên kết với các đô thị Quy Nhơn, Nha Trang và các tỉnh Tây Nguyên.
Trong khi đó, trục đô thị Bắc - Nam ở phía Tây là chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 19C, gồm các đô thị hiện hữu Hai Riêng - Củng Sơn và các đô thị dự kiến hình thành đến năm 2025 như Vân Hòa (Sơn Long) - Trà Kê (Sơn Hội) - Xuân Phước - Xuân Lãnh. Đây là các đô thị nhỏ ở miền núi, có chức năng kết nối tiểu vùng, thúc đẩy đô thị hóa nông thôn trên nền tảng phát triển nông nghiệp hàng hóa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ cấp tiểu vùng.
Chiến lược thứ hai là phát triển đô thị hướng biển, gắn kinh tế đô thị với kinh tế biển. Với chiều dài bờ biển 189 km và nhiều bãi biển, đầm vịnh đẹp, nhiều thắng cảnh nổi tiếng, đây sẽ là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch biển. Bên cạnh đó là quỹ đất ven biển còn dồi dào, nhiều tiềm năng cho phát triển đô thị và dịch vụ. Vì thế, việc phát triển đô thị hướng biển với cấu trúc không gian và hình thái kiến trúc gắn với bờ biển sẽ tạo ra nét đặc trưng đô thị biển của Phú Yên, tạo lợi thế và động lực mạnh mẽ cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, ngư nghiệp sang dịch vụ, du lịch.
Chiến lược thứ ba là phát triển đô thị lấy yếu tố bền vững làm cốt lõi, trong đó, các tiêu chí đô thị tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái làm nền tảng và dần tiệm cận các chỉ tiêu đô thị thông minh. Với quan điểm phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt, việc thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững trong phát triển đô thị phải được thực hiện đồng bộ từ công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và quản lý đô thị.
Ba chiến lược trên tuy có vẻ rời rạc, nhưng thực chất là sự kết hợp đồng bộ, thống nhất dựa trên 3 yếu tố: xác định động lực, quy hoạch không gian lãnh thổ và hoạch định chính sách cho sự phát triển. Các quá trình phát triển đô thị thời gian tới được cần thực hiện dựa trên nền tảng 3 trụ cột chiến lược này để đưa Phú Yên cất cánh, trở thành một ngôi sao mới trên bản đồ du lịch của quốc gia.
Đến đồng bộ cấp quốc gia
Trung tuần tháng 4/2020, Phó thủ tướng Trịnh Ðình Dũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên phạm vi lập quy hoạch đối với phần lãnh thổ đất liền là 5.023,4 km2; phần không gian biển được xác định trên cơ sở Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012 và các văn bản pháp luật liên quan.
Tại quyết định phê duyệt này, Chính phủ yêu cầu Phú Yên định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.
Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ tỉnh Phú Yên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Cụ thể hóa quyết định này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương cho biết, Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý không gian để định hướng cho nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút nguồn lực từ bên ngoài.
Vì vậy, các nhà tư vấn quy hoạch phải nêu ra được những nhiệm vụ và giải pháp cùng Phú Yên đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược; hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, việc lập quy hoạch phải đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Nam Trung bộ và quy hoạch tỉnh Phú Yên.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã làm việc với hai tập đoàn thiết kế, tư vấn về quy hoạch là Roland Berge (có trụ sở tại Munich, Đức) và Surbana Jurong (Singapore). “Đây là những đơn vị tư vấn chiến lược hàng đầu có phạm vi hoạt động toàn cầu và chuyên môn sâu ở các ngành nghề, chức năng. Tại Việt Nam, các đơn vị này đã thực hiện tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương”, ông Phạm Đại Dương cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phú Yên có vị trí địa lý là cửa ngõ ra biển, cầu nối Bắc - Nam, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, phát triển cơ cấu kinh tế đa dạng... Do vậy, để xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ tới, Phú Yên cần đánh giá thực trạng, đưa ra các phương án phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, định hướng khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù, nổi trội để phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên giữa tháng 5/2020, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng lưu ý tỉnh cần khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và làm tốt công tác quy hoạch sau khi được phê duyệt.
Theo https://baodautu.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình