Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, đối thoại pháp luật
25/06/2020 10:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân lao động tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp. Ảnh: NGỌC HÂN
Thời gian qua, các cấp Công đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp công nhân lao động (CNLĐ) nâng cao kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình và tránh tình trạng đình, lãn công…
Với phương châm “Lấy đoàn viên công đoàn làm đối tượng vận động”, “Lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động”, Văn phòng Tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) vừa phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, BHXH tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền và đối thoại pháp luật lao động cho hàng trăm cán bộ, đoàn viên và CNLĐ đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp.
Giúp NLĐ bảo vệ quyền lợi
Trực tiếp tham gia buổi đối thoại, được nghe cán bộ tư vấn pháp luật truyền đạt về Luật Lao động, chị Phan Thị Thu Diễm, công nhân Công ty TNHH Hary& không giấu được niềm vui. Chị Diễm cho biết: “Tôi thấy đây là chương trình bổ ích và có nhiều ý nghĩa đối với NLĐ. Việc công đoàn, doanh nghiệp tạo điều kiện cho NLĐ tìm hiểu pháp luật lao động đã giúp tôi giải tỏa mọi thắc mắc về tiền lương, hợp đồng lao động, chế độ thai sản cũng như các chế độ khác liên quan đến quyền lợi mà trước đây tôi vẫn còn mập mờ. CNLĐ chúng tôi rất vui vì tổ chức công đoàn đã tạo điều kiện cho công nhân tiếp cận với pháp luật một cách trực tiếp và khách quan”.
Bày tỏ cảm xúc khi cùng tham dự buổi tuyên truyền, đối thoại, chị Phạm Thị Thu Hạt, công nhân Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp, cho hay: “Tham gia buổi tuyên truyền đối thoại, điều tôi quan tâm nhất là được tư vấn pháp luật về BHXH, BHTN và chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo tôi, sau khi đặt câu hỏi, cán bộ tư vấn đã giải đáp cụ thể rất nhiều kiến thức liên quan đến lợi ích của công nhân xung quanh hai loại hình bảo hiểm trên, nhất là mức hưởng sau khi nghỉ việc; chế độ nhận BHXH một lần; mức tham gia BHXH tự nguyện sau khi nghỉ làm tại công ty cùng nhiều chính sách khác…”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo ông Huỳnh Kim Hùng, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh, những năm qua, LĐLĐ tỉnh luôn xác định việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật cho NLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các hình thức như: Thi tìm hiểu về pháp luật, tổ chức tập huấn, cấp phát tờ rơi, sổ tay pháp luật, tuyên truyền tập trung tại doanh nghiệp... Với hình thức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp tại cơ sở là cơ hội tốt để NLĐ được tìm hiểu, trao đổi với cán bộ tư vấn về những vấn đề mình quan tâm, từ đó trang bị thêm kỹ năng, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của NLĐ, giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật.
Nói về hoạt động tuyên truyền và đối thoại, bà Trần Thị Như Huệ, Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, các CĐCS tại doanh nghiệp còn thành lập các nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook… với sự tham gia của đông đảo đoàn viên, NLĐ ở các doanh nghiệp. Vì vậy, khi có văn bản pháp luật hoặc các chủ trương cần tuyên truyền thì cơ quan chức năng đưa thông tin lên mạng xã hội, từ đây CĐCS sẽ triển khai cho công đoàn viên mình nắm bắt nhanh chóng, kịp thời”.
Chia sẻ cảm xúc khi cùng tham dự buổi đối thoại, tư vấn, chị Lê Thị Kim Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Harry&, nói: “Đa phần NLĐ chúng tôi chưa hiểu biết nhiều các vấn đề về pháp luật lao động, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc làm, lao động, BHXH, chế độ tiền lương... Do vậy, đến với buổi tuyên truyền, đối thoại chính là cơ hội để chúng tôi bày tỏ những thắc mắc và mong nhận được lời giải đáp thỏa đáng. Chúng tôi mong muốn LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động này, để NLĐ có thêm cơ hội được tư vấn, cập nhật những vấn đề liên quan đến pháp luật”.
Với mục đích trang bị kiến thức về pháp luật lao động đến NLĐ, LĐLĐ tỉnh đã mở nhiều buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật; đồng thời chủ động làm việc với các CĐCS vận động chủ doanh nghiệp tạo điều kiện để công nhân dự nghe các lớp này. Từ việc ngại để cán bộ công đoàn tư vấn, nhiều chủ doanh nghiệp nay đã hưởng ứng tích cực. “Trong thời gian tới, Công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành LĐ-TB-XH, BHXH... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trong CNLĐ theo hướng đa dạng hóa hình thức, nội dung sát thực với từng đối tượng; chú ý tập trung vào CNLĐ trực tiếp sản xuất, CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, CNLĐ ở vùng sâu, vùng xa”, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Huỳnh Kim Hùng nhấn mạnh.
Để công tác tuyên truyền, đối thoại pháp luật lao động cho NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt, cần tiếp tục quán triệt triển khai Chỉ thị 22 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Các CĐCS và doanh nghiệp cần phối hợp triển khai có hiệu quả Kế hoạch 127 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện tuyên truyền, đối thoại pháp luật lao động cho NLĐ và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Kim Hùng, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh
Theo http://www.baophuyen.com.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình