Để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tốt hơn
16/10/2018 10:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe người cao tuổi trong một hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: YÊN LAN
Tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh lão khoa. Khóa tập huấn “Một số hội chứng và bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi” do Sở Y tế Phú Yên, Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phối hợp tổ chức mới đây là dịp để các bác sĩ lâm sàng nâng cao kiến thức về lão khoa, từ đó bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tốt hơn.
Một trong những bệnh thường gặp ở người cao tuổi là viêm phổi cộng đồng (tình trạng nhiễm trùng cấp tính của nhu mô phổi ở bệnh nhân sống tại cộng đồng). Viêm phổi ở người cao tuổi thường có các biến chứng nặng, có thể gây tử vong.
Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao 39 độ C, bệnh nhân rét run, thường có cảm giác đau ngực. Lúc đầu bệnh nhân ho khan, sau đó ho có đờm đặc, có khi còn bị trướng bụng, đau bụng… Kết quả cận lâm sàng cho thấy bạch cầu tăng từ 15.000-30.000/mm3, tuy nhiên cũng có thể xảy ra giảm bạch cầu, tiên lượng thường rất nặng.
Tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán viêm phổi chính là dấu hiệu thâm nhiễm trên phim chụp X-quang ngực; lâm sàng và xét nghiệm vi sinh chỉ có vai trò hỗ trợ cho chẩn đoán. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Bệnh lý nhiễm trùng và Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ năm 2017, chụp X-quang ngực nên được tiến hành ở tất cả các bệnh nhân nghi ngờ viêm phổi.
Đối với viêm phổi cộng đồng, thời gian bắt đầu điều trị rất quan trọng. Có những bằng chứng cho thấy tỉ lệ tử vong vào ngày thứ 30 giảm đi rõ rệt nếu bệnh nhân nhập viện được dùng liều kháng sinh đầu tiên trong vòng 8 giờ đầu.
Cách phòng bệnh viêm phổi cộng đồng là điều trị tốt các ổ nhiễm trùng tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt; tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm một lần, phòng phế cầu 5 năm một lần cho những trường hợp có bệnh phổi mãn tính, suy tim, tuổi trên 65 hoặc đã cắt lách; loại bỏ những yếu tố kích thích độc hại như thuốc lá, thuốc lào… và giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh.
Suy tĩnh mạch chi dưới cũng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Đó là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại, gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Theo ThS-BS Nguyễn Minh Đức (Khoa Can thiệp tim mạch - Ngoại, Bệnh viện Lão khoa Trung ương), trong các phương pháp điều trị, đầu tiên là thay đổi lối sống. Cụ thể là tăng cường sử dụng chức năng bơm của cơ, tránh bất động trong thời gian dài, tránh tư thế ngồi bắt chéo chân. Bác sĩ khuyến khích bệnh nhân hoạt động thể chất phù hợp như đi bộ, bơi; tạo điều kiện cho hồi lưu tĩnh mạch như gác cao chân, tập vận động chân giống như đạp xe trong không khí; tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao như xông hơi, ngâm nước ấm và cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp như giảm chất béo, tăng chất xơ, uống đủ nước. Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính có thể được điều trị bằng thuốc, bằng băng ép, tất áp lực, điều trị ngoại khoa, triệt tiêu tĩnh mạch bằng laser nội tĩnh mạch, triệt tiêu tĩnh mạch bằng sóng cao tần, sử dụng keo sinh học Venaseal…
Người cao tuổi bị suy giảm chức năng do bệnh, do giảm hoạt động trí não, do biến đổi về sinh lý, do hút thuốc lá hoặc gặp các chấn thương khi chơi thể thao. Bộ não của người cao tuổi giảm 7%. Thị lực, thính lực, vị giác đều giảm. Chức năng thận giảm tới 50%, chức năng tim cũng giảm; mật độ xương giảm từ 10-30%... Không những thế, người cao tuổi còn gặp một loạt vấn đề về sức khỏe: loãng xương và các bệnh về khớp, thiếu hụt vitamin D, canxi và các axit béo thiết yếu, suy giảm nhận thức do liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng ở mức độ vừa trong thời gian dài…
Vì vậy, theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương (Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương), người cao tuổi nên ăn thức ăn giàu các hoạt chất thực vật, giàu protein chất lượng cao trong mỗi bữa ăn và ăn cùng với nhiều người. Nếu chán ăn thì ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên, đảm bảo cân đối dinh dưỡng, đặc biệt là axit béo Omega-3, cân bằng Omega-3 và 6, uống đủ nước. Người cao tuổi cũng cần vận động thể lực phù hợp và theo dõi cân nặng.
Do giảm tiếp nhận về giác quan, có những thay đổi ở hệ cơ xương khớp (teo cơ, loãng xương, thoái hóa khớp); hệ hô hấp, tim mạch… già hóa nên người cao tuổi dễ té ngã. Khoảng 50% số người trên 65 tuổi nhập viện là do ngã; tỉ lệ tử vong do ngã ở những người trên 65 tuổi xếp thứ 7. Để phòng tránh té ngã, các bác sĩ khuyên người cao tuổi nên vận động phù hợp, “sửa chữa” các khiếm khuyết về thị giác, thính giác, cảm nhận bản thể; cần đánh giá và điều trị huyết áp tư thế; xem xét giảm liều hay số lượng thuốc đang dùng; chăm sóc bàn chân và cải thiện môi trường, sửa chữa nhà cửa cho phù hợp, sửa chữa vỉa hè bị hư hỏng trước nhà, bố trí thanh vịn tay bên các bờ dốc nơi công cộng…
“Khóa tập huấn rất cần thiết. Chúng tôi được cập nhật, bổ sung những kiến thức mới về các bệnh lão khoa thường gặp như tai biến mạch máu não, suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, suy dinh dưỡng ở người cao tuổi… Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến tâm lý, hành vi của người cao tuổi thì thầy thuốc cũng cần nắm vững để chia sẻ với bệnh nhân trong quá trình điều trị”, ThS-BS Đàm Đinh Hồng Hoa, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) nói.
Còn bác sĩ Lê Văn Nghĩa (Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Tham gia khóa tập huấn, tôi rõ hơn về quá trình suy giảm chức năng của người cao tuổi, biết được một số hội chứng mà trước đây chỉ mới nghe qua như hội chứng sảng cấp và cập nhật những phương pháp điều trị mới”. Theo BSCKI Trần Ngọc Hoàng (Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa), hiện nay, bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở ngày càng đông; các bệnh lão khoa trong đó có sa sút trí tuệ, suy giãn tĩnh mạch chi dưới… cũng thường gặp.
Nếu không nắm vững kiến thức thì anh em ở tuyến y tế cơ sở có thể bỏ qua. Chính vì vậy, khóa tập huấn rất cần thiết. “Tất nhiên chỉ trong 3 ngày thì không thể nào đi sâu được. Chúng tôi nắm những vấn đề cơ bản để về truyền đạt lại cho y tế cơ sở”, bác sĩ Hoàng nói.
Theo baophuyen.com.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình