Trả lời kiến nghị của cử tri về giải quyết chế độ cho chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia BHXH
20/04/2023 08:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 19/4, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại Phiên họp, ông Dương Thanh Bình- Trưởng ban Dân nguyện cho biết, qua giám sát, ghi nhận đến nay cơ bản tập hợp tương đối đầy đủ văn bản trả lời, nhưng vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chưa có ý kiến trả lời đầy đủ. Do đó, Ban Dân nguyện tổ chức buổi làm việc để trao đổi, làm rõ các nội dung giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong đó, tập trung vào 7 nội dung liên quan đến Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GTVT, BHXH Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ KH-CN, Bộ TN-MT và Văn phòng Chính phủ.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu báo cáo tại Phiên họp
Báo cáo tại Phiên họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam nhận được 11 kiến nghị của cử tri và đã trả lời đủ 11 kiến nghị. Tuy nhiên, với kiến nghị giải quyết liên quan chính sách cho chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc còn đang vướng mắc.
Cụ thể, tại Nghị định số 12/CP ban hành Điều lệ BHXH quy định NLĐ và chủ SDLĐ đóng BHXH theo nguyên tắc có đóng có hưởng. Từ tháng 1/2003, Chính phủ sửa đổi Điều lệ này, trong đó tăng đối tượng để mở rộng BHXH và cơ quan BHXH đã tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể chủ DN, hộ kinh doanh cá thể và nhiều đối tượng khác. Tuy nhiên, đến năm 2006, Luật BHXH được ban hành và một số đối tượng này vẫn tham gia BHXH nhưng phải có HĐLĐ và phải có tiền lương.
Như vậy, đối chiếu với các quy định, chủ hộ kinh doanh cá thể lại không thực hiện ký HĐLĐ và trả tiền lương, bởi họ tự mình trả cho mình và tự trích tiền đóng nộp BHXH. Đến Luật BHXH 2014 lại quy định đối tượng này được tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy, nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể phải chuyển sang đóng BHXH tự nguyện và hầu hết không đồng ý, bởi họ đóng cho NLĐ được tại sao lại không đóng cho bản thân mình.
“BHXH trong từng thời kỳ tổ chức thực hiện đúng nguyên tắc có đóng có hưởng, họ đóng quỹ BHXH đang quản lý. Bây giờ giải quyết lại thiếu các quy định và ngành BHXH không giải quyết được, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn. Một số đối tượng khác thì Bộ LĐ-TB&XH cho phép tiếp tục tham gia đóng BHXH, nhưng riêng nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được giải quyết. Bây giờ lao động này mong muốn được cộng thời gian tham gia BHXH từ trước năm 2008 sang, nhưng cơ quan BHXH không có thẩm quyền cộng nối. BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH để trình Chính phủ, Quốc hội cho phép giải quyết vấn đề này”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ rõ.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định hiện hành (Nghị định của Chính phủ, Luật BHXH 2006, Luật BHXH 2014) đều không quy định chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, cơ quan BHXH ở nhiều địa phương vẫn tiến hành thu, đến khi chủ hộ kinh doanh cá thể đề nghị hưởng chế độ thì không có căn cứ để thực hiện, gặp nhiều vướng mắc.
Theo thống kê, đến hết tháng 9/2016, cả nước có trên 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đóng BHXH. Do đây là quy định pháp luật, không thể quy định bằng Nghị định để giải quyết vướng mắc này, nên đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định. Ngoài ra, trong quá trình sửa Luật BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan đề xuất xử lý vướng mắc. Đây là vấn đề của quá khứ để lại, nên đề nghị các cơ quan Quốc hội nghiên cứu để có hướng giải quyết.
Theo bà Trần Thị Thanh Lam- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, về nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến đóng BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Luật BHXH. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ có báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này, trình Quốc hội để có cơ sở xem xét, quyết định.
Còn bà Lê Thị Nguyệt- Phó Trưởng ban Dân nguyện cho biết, thực tế Luật BHXH đã nhiều lần sửa đổi và mở rộng đối tượng đến tất cả lao động có HĐLĐ từ 3 tháng trở lên đều tham gia BHXH bắt buộc, với mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia BHXH. Do đó, vướng mắc đối với đối tượng chủ hộ kinh doanh cá thể là ở Nghị định hướng dẫn. Thực tế trước đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 101 điều chỉnh đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như Xã đội phó, Công an xã, nhân viên đại lý BHXH. Như vậy, thực tế có những đối tượng khác đã được xem xét giải quyết về BHXH bắt buộc và được xử lý theo Nghị quyết của Chính phủ.
Về vấn đề này, ông Dương Thanh Bình- Trưởng ban Dân nguyện đề nghị BHXH Việt Nam có văn bản báo cáo thực trạng việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng chế độ BHXH, có đề xuất giải pháp để Ban Dân nguyện có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vũ Thu
https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình