Đề xuất bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện
07/03/2023 02:51 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhằm thu hút và mở rộng diện bao phủ BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường; bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Công ước số 102 về quy phạm tối thiểu về BHXH năm 1952 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến cáo độ bao phủ tối thiểu mà một hệ thống BHXH phải đạt đến là tổng số người được hưởng BHXH nên chiếm ít nhất 50% số người làm công ăn lương hoặc chiếm ít nhất 20% số người thường trú ở một quốc gia. Đồng thời, tại Khuyến nghị số 202 về sàn an sinh xã hội quốc gia năm 2012 của ILO cũng đã mở rộng diện bao phủ BHXH thông qua gợi ý các quốc gia thành viên nên đảm bảo các chế độ BHXH cơ bản, trong đó có chế độ hưu trí cơ bản cho toàn bộ số người thường trú và trẻ em ở quốc gia đó như được quy định trong pháp luật và pháp quy quốc gia.
Theo đánh giá, hệ thống BHXH tại Việt Nam bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. BHXH bắt buộc được áp dụng đối với NLĐ khu vực có quan hệ lao động và BHXH tự nguyện được áp dụng đối với khu vực không có quan hệ lao động. Tuy nhiên, BHXH bắt buộc hiện chưa điều chỉnh đối với một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia như: Chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt- trong khi thu nhập của nhóm này khá cao và ổn định. Bên cạnh đó, BHXH bắt buộc cung cấp các chế độ: Hưu trí, tử tuất, ốm đau và thai sản, TNLĐ-BNN và thất nghiệp. Thế nhưng, BHXH tự nguyện chỉ cung cấp các chế độ hưu trí và tử tuất, khiến cho chính sách này kém hấp dẫn không thu hút được nhiều người tham gia.
Để mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc và đẩy nhanh số người tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức, Nghị quyết số 28/NQ-TW đã định hướng và xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương. Trong đó, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng như: Người hưởng chế độ phu quân và phu nhân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; chủ hộ kinh doanh; người quản lý DN, người quản lý HTX không hưởng tiền lương; NLĐ làm việc không trọn thời gian.
Đồng thời, Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ là lương hưu, thai sản và tử tuất. Dự thảo cũng quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là NLĐ phải đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh, nguồn chi do NSNN bảo đảm.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình