Hướng dẫn triển khai 2 nhóm TTHC liên thông
21/11/2022 01:37 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 20/11, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP.Hà Nội, UBND tỉnh Hà Nam tổ thức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai 2 nhóm TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- Xoá đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cho biết, tại hội nghị triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tổ chức ngày 18/1/2022 đã nhấn mạnh Đề án gồm 5 hệ sinh thái, phân công 47 đầu việc của Trung ương, 8 đầu việc của địa phương.
Đề án 06 được Chính phủ ban hành trên cơ sở đã hoàn thành bước đầu dự án về thu thập dữ liệu dân cư quốc gia và dự án về sản xuất, quản lý, cấp thẻ CCCD. Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, với Luật cư trú sửa đổi, đây là những dữ liệu gốc và dữ liệu cốt lõi để cùng các nhóm dữ liệu đã xác định phát triển trong kinh tế-xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trên thế giới đã có nhiều quốc gia thành công và trong quá trình chuyển đổi số và đã trải qua nhiều khó khăn, tại Việt Nam cũng vậy, chương trình này dự kiến bắt dầu từ trước năm 2010, tập trung đẩy mạnh từ thời điểm năm 2013 và đến nay mới cơ bản đưa vào thực hiện.
Về quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ từ đầu năm đến tháng 8/2022, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tại hội nghị đánh giá 6 tháng về Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá Đề án vô cùng quan trọng cho đất nước trong tình hình mới.
Trong các bước đi đó, ngày 3/5/2022, Bộ GD&ĐT đã ứng dụng dữ liệu dân cư vào căn cước công dân gắp chip để thí sinh nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà. Khoảng 1 triệu thí sinh đăng ký thi Đại học năm nay đã không phải dùng ảnh để dán vào hồ sơ mà xác thực qua căn cước công dân, điều này đã lợi cho xã hội 50 tỷ đồng. Quan trọng hơn hồ sơ ở các năm trước nếu có sai sót sẽ phải đến địa điểm đăng ký dự thi đính chính chính lại, nhưng hiện nay nếu sai sót chỉ cần thực hiện đính chính trên môi trường điện tử. Tiếp theo đó, ngày 20/5, đã thực hiện phân cấp cho hơn 2 nghìn xã trên địa bàn toàn quốc thực hiện đăng ký xe tại cấp xã; ngoài ra tổ chức làm hộ chiếu online tại nhà…
Trên tinh thần kết quả như vậy, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 về việc đẩy mạnh hoàn thành 25 dịch vụ công trực tuyến, trong đó triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- Xoá đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí. Đây là các thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và liên quan trực tiếp đến đời sống, an sinh của người dân, có số lượng đối tượng thực hiện lớn. Mỗi năm có khoảng 2 triệu hồ sơ khai sinh và 600 nghìn hồ sơ đăng ký khai tử và là nhóm thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều ngành: Y tế, Tư pháp, Công an, LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam.
Sau một thời gian tích cực, khẩn trương triển khai, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành thống nhất, xây dựng quy trình và hoàn thiện phần mềm dịch vụ công liên thông. Đến ngày 18/11/2022, Văn phòng Chính phủ đã tích hợp 2 dịch vụ công liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo kết nối đến các hệ thống có liên quan. Bộ Công an đã đảm bảo chức năng của phần mềm hoạt động bình thường theo kết nối. Bộ Tư pháp, BHXH Việt Nam đã đảm bảo hệ thống của bộ hoạt động bình thường theo thiết kế.
“Để tổ chức triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam, hội nghị trực tuyến, tập huấn nhằm hướng dẫn cho cán bộ triển khai thực hiện, trước khi sơ kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn toàn quốc”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, muốn triển khai nhiệm vụ này phải làm rõ được nhận thức của cán bộ, công chức tại 4 cấp để làm sao phục vụ người dân tiện lợi nhất, người dân cũng phải hiểu được sự tiện lợi được hưởng, giảm thời gian so với đến làm thủ tục hành chính trực tiếp, bên cạnh đó độ chính xác khi thực hiện thủ tục hành chính online rất cao…
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị cán bộ, công chức mạnh dạn bỏ công việc thủ công hàng ngày sang ứng dung công nghệ để phục vụ ngày càng tốt hơn cho xã hội, cho nhân dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số thành công tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh quá trình triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trong những ngày đầu triển khai sẽ rất vất vả, khó khăn, có thể có trường hợp vẫn phải làm trực tiếp để tháo gỡ dữ liệu chưa có… Bộ Công an đề nghị 2 địa phương phải kèm từng giờ, giải đáp khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Quan trọng hơn khi đã nhận thức đầy đủ thì các giải pháp phải thông minh, linh hoạt, tự tin thì mới tạo được hiệu quả cao nhất là niềm tin của xã hội, niềm tin của Nhân dân vào dịch vụ công trực tuyến.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã trình bày các nội dung tập huấn về: Quy trình thực hiện liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng; hướng dẫn chi tiết thao tác thực hiện dịch vụ công liên thông trên hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tập huấn đến các đầu cầu trực tuyến về quy trình tiếp nhận nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử cho cán bộ tư pháp hộ tịch; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú cho cán bộ công an cấp xã; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp thể BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng cho đối tượng do BHXH thực hiện cho cán bộ BHXH; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng cho đối tượng do cán bộ LĐ-TB&XH thực hiện.
2 thủ tục hành chính liên thông có nhiều ý nghĩa quan trọng:
- Đối với người dân: Khi thực hiện thủ tục liên thông trực tuyến, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, cắt giảm bớt các giấy tờ, thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại.
- Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước: Việc liên thông 2 nhóm thủ tục sẽ giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình