Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Đầu tư nhỏ cho tuổi già an nhàn
04/11/2022 09:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tục ngữ có câu: “Làm khi lành để dành khi đau” hàm ý khuyên mỗi người lúc còn trẻ, còn sức khỏe hãy biết tiết kiệm đề phòng ngừa rủi ro không may xảy đến trong cuộc sống hoặc khi không còn sức lao động. Tiết kiệm có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và hiện nay cách làm thiết thực, hiệu quả và an toàn nhất cho đại đa số người dân với khoản thu nhập ở mức trung bình là tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có vị trí, vai trò rất quan trọng, là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với người lao động phi chính thức. Tham gia BHXH tự nguyện, khi hết tuổi lao động người dân được hưởng lương hưu hằng tháng, an nhàn tuổi già, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe.
Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, khi đến tuổi nghỉ hưu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng gấp nhiều lần so với mức đóng, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Vợ chồng Ma Trang ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh chăm chú nghe cán bộ xã tuyên truyền lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện
Làm nghề tự do và đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số nên chị Nay Hờ Chin ở buôn Lê Diêm- Thị trấn Hai Riêng ít có cơ hội để tìm hiểu về BHXH tự nguyện. Từ khi được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về phương thức tham gia, các chế độ, chính sách được hưởng, anh đã tự nguyện tham gia và vận động nhiều người thân cùng hưởng ứng. Chị Hờ Chin chia sẻ lý do thuyết phục chị tham gia BHXH tự nguyện bởi đây chính là khoản đầu tư cho tương lai. Chị Hờ Chin nói: Khi còn trẻ, khỏe, chỉ cần tiết kiệm chút ít trong chi tiêu là có thể tham gia BHXH tự nguyện, để về già, hết tuổi lao động thì có lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí… không phải phụ thuộc con mà vẫn có cuộc sống thư thái, an nhàn.
Chị Hoàng Thị Hiền, nhân viên đại lý thu trên địa bàn Thị trấn Hai Riêng huyện Sông Hinh thừa nhận, hiện nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về phương thức đóng, các chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Thậm chí có người còn lầm tưởng BHXH chỉ có cán bộ, công chức mới có, còn người dân thì không. “Vì thế, để người dân “thấm” và hiểu rõ về các chế độ, quyền lợi mà BHXH tự nguyện mang lại, chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, dựa vào các nội dung của BHXH để tuyên truyền sát vấn đề đó cho người dân”.
Còn chị Lê Thị Huê ở Khu phố 3 - thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh sau khi hiểu hết những quyền lợi của chính sách BHXH tự nguyện cũng quyết định tham gia cho cả hai vợ chồng. Dẫu hoàn cảnh khá khó khăn, mỗi ngày đi làm thuê, làm mướn, nhưng chị Huê cũng dành ra khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện. Chị Lê Thị Huê- Khu phố 3 bộc bạch: “Đây là chính sách của Nhà nước tôi yên tâm, với lại còn được hỗ trợ mức đóng. Bây giờ còn sức khỏe, còn đi làm kiếm tiền được nên đóng BHXH tự nguyện coi như để dành. Khi đóng đủ số năm và đến tuổi nghỉ hưu theo quy định cả hai vợ chồng đều có lương hàng tháng để chi tiêu, lúc đó con cái cũng đỡ phải lo”.
BHXH tự nguyện được ví như “điểm tựa” cho những người lao động tự do khi về già. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và thu nhập gia đình, người lao động có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp, có thể đóng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm và đóng một lần tối đa cho 10 năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí... Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần phí đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo anh Nguyễn Quốc Bình, Giám đốc BHXH huyện, BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt, giúp người tham gia, nhất là người lao động tự do có lương hưu bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động và được cấp thẻ BHYT hưu trí. Ngoài ra, tiền lương đóng BHXH tự nguyện được tính trượt giá khi tính lương hưu, lương hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình hàng năm của Chính phủ, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí. Có thể nói, đây là chỗ dựa tin cậy cho người lao động khi về già có thu nhập cơ bản bảo đảm cuộc sống.
Chính sách BHXH tự nguyện được ví như “của để dành” của người lao động tự do, được Nhà nước bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người dân khi về già, đúng với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Để giúp người dân hiểu rõ những lợi ích thiết thực mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại, cần thiết phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và trên hết mỗi người dân hãy tự ý thức phải tiết kiệm để có lương hưu, tận hưởng tuổi già an nhàn mà không phải cậy nhờ hay dựa dẫm vào con cháu.
Ngọc Ly (Trung tâm VH-TT và TT huyện Sông Hinh)
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình