Triển khai công nghệ xác thực sinh trắc để ngăn chặn trục lợi BHXH, BHYT
08/09/2022 10:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 276/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Đáng chú ý, trong Thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ TT-TT và các bộ, cơ quan liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, CSDL để làm sạch thông tin trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông phục vụ chuyển đổi số, phòng chống tội phạm, nhất là đối với các hoạt động như: Thanh toán không dùng tiền mặt; xác minh thông tin nhận biết khách hàng; cấp tín dụng đối với khách hàng cá nhân; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ CCCD và tài khoản định danh điện tử để thay thế các loại giấy tờ công dân khác.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công an hỗ trợ Bộ Y tế thiết lập hồ sơ sức khỏe trên Sổ Sức khoẻ điện tử và tích hợp thông tin sức khỏe cá nhân trên ứng dụng VNelD. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ TT-TT và các DN triển khai cấp Chứng thư số theo nhu cầu cho cá nhân thông qua quy trình cấp thẻ CCCD và Định danh điện tử cho người dân…
Đặc biệt, Bộ Công an cần chủ động phối hợp với BHXH Việt Nam triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc thẻ CCCD gắn chip và trên CSDL quốc gia về dân cư, để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Công an, NHNN Việt Nam, BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính nghiên cứu, tạo lập tài khoản an sinh xã hội phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản, hỗ trợ công dân trong việc thuê nhà trọ, khắc phục tình trạng thông tin không chính xác để hạn chế tiêu cực phát sinh…
Trên cơ sở đó, phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, cả nước sẽ có khoảng 3-5 triệu người dân sử dụng ứng dụng VNeID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; ưu tiên triển khai các tiện ích thiết thực cho người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người DTTS…
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các hệ thống thông tin, CSDL, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án; khẩn trương kết nối dữ liệu tổng hợp dân cư về Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội…
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đạt được kết quả bước đầu tích cực. Theo đó, người dân, DN dần nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số và kết quả của Đề án 06 mang lại; cơ quan hành chính nhà nước các cấp tăng cường công khai, minh bạch và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Kết quả, tính đến nay, toàn quốc đã có gần 125 triệu hồ sơ được đồng bộ, xử lý trên Cổng DVC quốc gia; hoàn thành 21/25 DVC mức độ 3, 4. Nhiều DVC trực tuyến đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như việc đăng ký trực tuyến dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT...
Bên cạnh tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, chúng ta đã từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ người dân và DN; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, từng bước hình thành CSDL lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương và 4 DNNN; CSDL hộ tịch điện tử đã cung cấp gần 7,6 triệu thông tin khai sinh và tiếp nhận số định danh cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư...
Bộ Công an cũng đã cấp trên 67 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử, bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ CCCD tích hợp thẻ BHYT khi đi KCB, xác thực khách hàng cho phép thực hiện giao dịch tại ATM không cần thẻ ngân hàng... Đặc biệt, hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18/7/2022, bước đầu hình thành hệ sinh thái công dân số, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, TTHC trên môi trường điện tử và nhiều tiện ích phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục như: Về chỉ đạo, điều hành, nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho triển khai Đề án 06 nói riêng và công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung. Việc triển khai DVC trực tuyến vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa cao, còn DVC trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất. Hạ tầng CNTT của nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai còn dàn trải, tốn kém. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, CSDL còn nhiều hạn chế, bất cập…
Do đó, theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phuơng cần liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phải xác định lộ trình phát triển CSDL quốc gia về dân cư từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ người dân, DN và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư; xây dựng phần mềm DVC liên thông 2 nhóm TTHC liên thông tại Đề án 06.
Thủy Hà
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình