Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định ít nhất năm tỷ đồng
21/05/2020 02:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
NDĐT- Từ ngày 20-5, Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định không thấp hơn năm tỷ đồng.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh minh họa: Dolab).
Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp (DN), tổ chức sự nghiệp đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó là cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động này.
Văn bản quy định rõ, tại các khu vực như: đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, đang bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc, đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm, NLĐ không được đến làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, có bảy danh mục công việc NLĐ không được đến làm việc ở nước ngoài. Trong đó, không đưa lao động trong nước đến làm công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân; công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại…
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là DN dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, phải có vốn pháp định không thấp hơn năm tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
Doanh nghiệp dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.
Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của DN dịch vụ (bộ máy) bao gồm một số đơn vị.
Trước hết là Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên. Tiếp đó là các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động về nước, tài chính. Cuối cùng là Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết; các phòng nghiệp vụ phải bảo đảm số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ thuộc sở hữu của DN dịch vụ, hoặc được DN dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, phải đáp ứng điều kiện tối thiểu sau: Có đủ phòng học, phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm; diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên; phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.
Theo Nghị định 38/NĐ-CP, DN thực hiện ký quỹ một tỷ Việt Nam đồng tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký quỹ của DN dịch vụ được sử dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20-5-2020, và thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 1-8-2007 của Chính phủ. Đồng thời, bãi bỏ Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18-7-2007 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo https://www.nhandan.com.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình