Cảnh giác với hoạt động lừa đảo trên không gian mạng

13/05/2020 08:40 AM


Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân sử dụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm, các đối tượng gia tăng hoạt động lừa đảo qua mạng chiếm đoạt số tiền lớn.

Tình trạng lừa đảo trên xuất hiện ở nhiều địa phương với nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh lừa người dân. Cá biệt có vụ các đối tượng lừa đảo hàng ngàn nạn nhân trên toàn quốc, chiếm đoạt trên 500 tỉ đồng.

Nhiều thủ đoạn

Tại huyện Đông Hòa, mới đây nhất, ngày 20/4, chị N.T.H.L (SN 1985, trú khu phố Phú Hòa, thị trấn Hòa Hiệp Trung) kinh doanh nước rửa tay qua mạng xã hội facebook đã bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 77,8 triệu đồng. Chị L được một đối tượng đặt mua nước rửa tay. Sau khi thống nhất giá cả, chị L được hướng dẫn gửi số tài khoản ngân hàng cho đối tượng để chuyển khoản thanh toán tiền mua hàng. Sau đó, đối tượng nhắn tin cho chị L với nội dung đã chuyển khoản và muốn nhận số tiền đó phải truy cập vào một đường link. Chị L truy cập vào đường link và được hướng dẫn điền các thông tin tài khoản ngân hàng như số tài khoản, mật mã, mã OTP. Chị L làm theo mà không biết rằng đối tượng đã sử dụng các thông tin do chị cung cấp để thực hiện hành vi chuyển tiền từ tài khoản của chị đến tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt.

Cũng với thủ đoạn trên, ngày 25/3, chị T.T.T.T (SN 1990, trú thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa) kinh doanh quần áo qua mạng xã hội facebook đã bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 35,5 triệu đồng.

Ngoài ra, theo trung tá Nguyễn Phong Nguyên, Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người Phòng Cảnh sát hình sự Công an Phú Yên, thời gian qua, nhiều đối tượng mạo danh cán bộ trong các cơ quan tư pháp như công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân, nói rằng họ bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu người dân chuyển một số tiền lớn vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để điều tra. Hoặc các đối tượng giả mạo thư điện tử (TĐT) chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước... có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân…

Một thủ đoạn nữa là các đối tượng tạo các trang cá nhân bán hàng online trên mạng xã hội để rao bán các mặt hàng thiết yếu, đang khan hiếm như khẩu trang y tế, nước rửa tay, đồ bảo hộ phục vụ phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu người mua hàng chuyển khoản trước tiền đặt cọc. Sau đó, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Một thủ đoạn gần đây mà các đối tượng thực hiện là mạo danh các cơ quan chức năng phòng chống dịch gọi điện lấy lý do hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh để lừa nạn nhân cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử, sau đó dùng thông tin này để thực hiện giao dịch lấy cắp tiền trong tài khoản.

Chủ động phòng tránh

Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, khi nhận các cuộc gọi đến (thông thường đối tượng sẽ sử dụng sim rác hoặc các đầu số điện thoại giả mạo do phần mềm tạo ra hoặc các cuộc gọi điện thoại VOIP), người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, người dân tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào như tên tuổi, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, tài khoản ngân hàng... khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người gọi. Khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch; không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán; nên lựa chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng, kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi thanh toán.

Ngoài ra, khi nhận các TĐT, người dùng cần thận trọng kiểm tra kỹ, xem có đúng là TĐT của người mình quen biết gửi đến hay không; không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp tin đính kèm trong TĐT đến từ người gửi không xác định; chỉ mở thư hoặc tải phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy. Không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Theo http://www.baophuyen.com.vn