Nhận BHXH một lần: Mất “của để dành” khi hết tuổi lao động

11/05/2020 09:54 AM


(Thanh tra)- Theo bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam, cân nhắc khi lựa chọn nhận BHXH một lần là điều hết sức quan trọng với mỗi người lao động. “Vì khi chọn BHXH một lần có thể làm mất cơ hội tự đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân khi hết tuổi lao động”, bà Hiền nói.

Nhận BHXH một lần, khi tiếp tục tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng bảo hiểm. Ảnh: CTV

Không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH

Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 600.000 người nhận BHXH một lần. Việc người lao động ra khỏi hệ thống BHXH (hưởng BHXH một lần) là thực trạng đáng quan tâm. Bà Đinh Thị Thu Hiền cho rằng, điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân, không để ai ở lại phía sau.

Tính đến hết quý I/2020, cả nước có khoảng trên 175.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 22% so với quý I/2019. Riêng trong tháng 3/2020 là 85.870 người, tăng 20% so với tháng 3/2019.

Theo bà Hiền, phần lớn nguyên nhân dẫn đến thực trạng hưởng BHXH một lần tăng lên là do một số lao động đã nghỉ việc từ cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019, sang năm 2020 lại gặp khó khăn khi không tìm được việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mong muốn có một khoản tiền để chi tiêu trước mắt, trang trải cuộc sống.

“Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Nếu người lao động nhận BHXH một lần, khi tiếp tục tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH, mà chỉ tính thời gian đóng BHXH sau này”, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH nói.

Như vậy, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động hoặc khi đủ tuổi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH ít nên số tiền sẽ thấp.

Người lao động cần tỉnh táo, tiếp tục tham gia BHXH

Trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Nhà nước đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người, trong đó có người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập để giải quyết khó khăn trước mắt.

“Vì vậy, người lao động cần tỉnh táo, suy xét để cùng chia sẻ với Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để vượt qua thử thách này, giữ và tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nói.

Nhắc lại câu chuyện thời gian gần đây, ông Lợi cho hay, với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tại một số tỉnh khu vực phía Nam có tình trạng gia tăng số lao động đăng ký rút BHXH một lần. Theo đó, đã có khoảng 70 vạn lao động nhận BHXH một lần. Sau đó, rất nhiều người trong số họ có cuộc sống khó khăn do không có lương hưu nên muốn trả lại Nhà nước số tiền đã nhận để tiếp tục làm việc và đóng BHXH, với mong muốn được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

“Tuy nhiên, pháp luật không cho phép thực hiện việc này. Đây là bài học rất đau lòng và cũng là minh chứng rõ nhất cho các hệ luỵ của người lao động khi hưởng BHXH một lần”, ông Lợi lưu ý.

Cũng liên quan đến việc gia tăng rút BHXH một lần trong dịp dịch Covid-19, tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ vừa diễn ra ngày 5/5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát không vì khó khăn do dịch Covid-19 mà gia tăng việc rút BHXH một lần.

Đồng thời, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, thu gom sổ BHXH để hưởng chênh lệch.

“Để khắc phục tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu chuyển nhanh từ hình thức sổ BHXH sang bảo hiểm điện tử, để hạn chế tối đa tình trạng trục lợi, đồng thời tăng cường tuyên truyền và kêu gọi sự đồng thuận của nhân dân”, ông Dung cho biết.

BHXH bảo đảm quyền lợi tốt hơn khi hết tuổi lao động

BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Do đó, theo các chuyên gia, khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận.

Đặc biệt, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.

Mặt khác, người lao động còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội…

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhận hoặc không nhận BHXH một lần sau một năm nghỉ việc, không đơn giản chỉ là đáp ứng quyền của cá nhân người lao động, mà đây là vấn đề mang tính hệ thống của chính sách xã hội. “Nếu những người lao động tham gia BHXH ở khu vực tư và dần dần là cả khu vực công đều đòi hỏi quyền được nhận BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới sự phá vỡ hệ thống BHXH”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu.

Hệ quả tiêu cực của chính sách này là người lao động ở khu vực tư sẽ nhận BHXH một lần ngày càng nhiều, không thể tích luỹ hưởng lương hưu; như vậy chỉ có cán bộ, viên chức hoặc một bộ phận lao động có điều kiện, có thu nhập cao mới đợi đến tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu.

Quan trọng hơn, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, với cách thiết kế chính sách như vậy, sẽ không bảo đảm về an sinh xã hội cho hàng triệu người lao động khi về già không có lương hưu. 

Theo https://thanhtra.com.vn