Làm chủ CNTT, ứng phó với đại dịch
04/05/2020 02:19 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong suốt thời gian cách ly xã hội, dù việc giao dịch trực tiếp giảm nhưng hàng trăm ngàn hồ sơ các loại vẫn được toàn Ngành giải quyết trôi chảy, không ùn tắc, chậm trễ... Điều này cho thấy, CCVC của Ngành luôn đủ khả năng đáp ứng công việc được giao trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Không bị động nhờ làm chủ CNTT
Ngay từ năm 2014, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo hướng lấy người dân làm trung tâm, để triển khai hình thức giao dịch điện tử trong thực hiện các TTHC của Ngành. Kết quả, đến nay đã có gần 100% DN lựa chọn hình thức giao dịch này. Ngành BHXH đã triển khai ứng dụng CNTT ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ như: Thu BHXH, BHYT; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; tài chính-kế toán; quản lý văn bản và điều hành...
Nhờ triển khai giao dịch điện tử ở hầu hết các khâu nên suốt thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành vẫn hoàn thành tốt công việc được giao. Ông Trần Minh Hậu- Chánh Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương cho biết: “Giải quyết công việc qua phần mềm, qua internet là điều không xa lạ với BHXH tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, để giải quyết công việc qua hình thức này trong suốt thời gian dài cách ly xã hội thì chưa một CCVC nào trải qua. Nhưng chính thời gian thử thách vừa qua, chúng tôi mới nhận ra dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù ở bất kỳ nơi đâu, CCVC ngành BHXH vẫn có thể giải quyết công việc một cách trôi chảy”.
Cũng theo ông Hậu, khi Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, toàn thể CCVC BHXH tỉnh Bình Dương đã bắt tay vào công việc với tư thế không bị động. Theo đó, BHXH tỉnh đã bố trí cho các CCVC sử dụng CNTT để làm việc tại nhà nhằm xử lý hồ sơ giao dịch điện tử cho đơn vị, DN; giải quyết kịp thời các loại hồ sơ cho người dân, đảm bảo không để xảy ra tồn đọng... “Trong thời gian cách ly xã hội, chúng tôi luôn để điện thoại chế độ mở để có thể tham gia họp trực tuyến hoặc chỉ đạo công việc chuyên môn; thường xuyên nắm bắt tình hình các đơn vị SDLĐ để hướng dẫn, xử lý những khó khăn, vướng mắc qua điện thoại, mail, zalo... Vì vậy, đã giải quyết trôi chảy trên 28.000 hồ sơ các loại, không để xảy ra ùn tắc, chậm trễ bất kỳ hồ sơ nào của người dân. Trong đó, một số lĩnh vực có lượng hồ sơ nhiều như: Thu BHXH, BHYT (14.743 hồ sơ); cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (7.869 hồ sơ); thực hiện chính sách BHXH (5.550 hồ sơ)...
Anh Nguyễn Trọng Bình- Công ty TNHH Hakiri (Bình Dương) cho biết: “Hai năm qua, chúng tôi đã làm quen với giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Nhờ hệ thống CNTT của ngành BHXH rất tốt nên dù cách ly xã hội, chúng tôi vẫn giải quyết công việc bình thường, không bị ảnh hưởng gì, nhất là với những công việc như cấp mới sổ BHXH, thẻ BHYT hay báo tăng giảm lao động...”.
Tương tự, việc đối thoại với DN về BHXH, BHYT cũng luôn được DN mong chờ- hiện BHXH các địa phương đã chuyển sang hình thức đối thoại trực truyến. Theo ông Nguyễn Hùng Anh- Phó Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng, tính đến nay trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 1.500 DN với trên 70.000 NLĐ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, rất nhiều DN và NLĐ nóng lòng muốn hiểu rõ về chính sách BHXH, BHYT trong lúc này. Nắm bắt được điều này, vừa qua, BHXH TP.Đà Nẵng đã tổ chức đối thoại trực tuyến thu hút hàng trăm DN và hàng ngàn NLĐ tham gia, qua đó giải đáp thỏa đáng hầu hết những thắc mắc, giúp DN và NLĐ yên tâm làm việc.
Hỗ trợ khai báo y tế điện tử và KCB BHYT
Với việc quản lý CSDL của hơn 85 triệu người tham gia BHYT và trên 15 triệu người tham gia BHXH, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người tham gia. Nhận thấy việc thực hiện khai báo y tế điện tử có ý nghĩa tích cực trong phòng chống dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất phương án kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế để phục vụ cho công tác khai báo y tế của người dân được diễn ra thuận tiện, đảm bảo chính xác, hiệu quả.
Vừa qua, BHXH Việt Nam đã triển khai dịch vụ tin nhắn thông báo mã số BHXH, BHYT đến người tham gia phục vụ cho việc khai việc khai báo y tế điện tử; đồng thời hướng dẫn người dân tra cứu mã số này qua nhiều cách thức khác. Với mã số BHXH, BHYT cung cấp khi khai báo y tế điện tử, người dân sẽ giúp ngành Y tế và các cơ quan chức năng có thêm thông tin về quá trình KCB BHYT được lưu trữ trên Hệ thống thông tin giám định BHYT. Qua đó, cơ quan chức năng có thể biết được bệnh lý nền của người khai báo, phòng khi người này mắc bệnh Covid-19 thì sẽ được điều trị kịp thời.
Ông Đoàn Ngô- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian cách ly xã hội, nhờ đội ngũ CCVC sử dụng khá thành thạo các phần mềm CNTT nên BHXH tỉnh đã tận dụng ưu thế này triển khai giải pháp cấp thẻ BHYT do hỏng, mất. Sau đó, BHXH tỉnh sẽ gửi thẻ BHYT mới qua dịch vụ bưu chính công đến địa chỉ của người dân, giúp việc KCB BHYT được kịp thời, trong khi người dân không cần phải đến cơ quan BHXH, tránh được việc tập trung đông người theo tinh thần giãn cách xã hội.
Được biết, không chỉ dừng lại những tiện ích CNTT trên, BHXH Việt Nam xác định phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành việc xây dựng và vận hành CSDL điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho Ngành trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và DN cũng như thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình