Quản lý và sử dụng Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến Ngành BHXH

24/04/2020 02:36 PM


BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 680/QĐ-BHXH ngày 23/4/2020 về Quy chế Quản lý và sử dụng Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến ngành BHXH. Quyết định có có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành theo Quyết định.

(ảnh minh họa)

Theo đó, Quy chế quy định việc thiết lập, tổ chức quản lý và sử dụng Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến ngành BHXH nhằm đáp ứng về tiêu chuẩn kỹ thuật, vận hành, sử dụng Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, đảm bảo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ngành được triển khai hiệu quả. Quy chế này áp dụng đối với các cá nhân, đơn vị trong và ngoài ngành BHXH bao gồm: các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH các cấp, các đơn vị ngoài ngành có liên quan, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị trên.

Quy chế nêu, mục đích của bồi dưỡng trực tuyến là thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin và các kỹ thuật truyền thống trong dạy và học nhằm phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của người học; giảm số giờ học lý thuyết trên lớp học truyền thống. Khi thực hiện mô hình này, học viên và giảng viên hoàn toàn tương tác qua lớp học ảo, thay vì những lớp học truyền thống thông thường.

Quy chế giải thích rõ học trực tuyến để chỉ việc học dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ thông tin. Cụ thể, hiện nay HTT là sự phân tán các nội dung học tập, sử dụng các công cụ hiện đại như máy tính, mạng internet, mạng intranet, ... trong đó các nội dung có thể được thu từ các website, video, audio, ... thông qua máy tính hoặc Tivi. Người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như: email, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo video… Đây cũng là hình thức học tập qua đó người học có thể tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua các học liệu đa phương tiện (lời giảng, lời thuyết minh, âm thanh, video…). Các hình thức học tập như M-Learning (học thông qua thiết bị di động: Điện thoại thông minh, máy tính bảng…), U-Learning (học thông qua các phương thức tương tác thực tế ảo), hay Smart-Learning (phương tiện học tập thông minh) đều là các hình thái của học trực tuyến.

Hệ thống quản lý bồi dưỡng trực tuyến của BHXH Việt Nam được quản lý thống nhất, tập trung tại BHXH Việt Nam, giao cho Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH quản lý, khai thác và sử dụng; Trung tâm Công nghệ thông tin vận hành và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật. Hệ thống quản lý bồi dưỡng trực tuyến có các chức năng tạo lớp, tài khoản và phân quyền cho giảng viên, học viên. Cho phép học viên truy cập vào các nội dung học tập trực tuyến đã đăng ký và có thể tự học, tự đánh giá, nắm bắt được tiến trình, kết quả học tập của bản thân, trao đổi thông tin liên quan đến toàn bộ quá trình bồi dưỡng trực tuyến. Quản lý được tiến trình học tập của học viên và các hoạt động của giảng viên, học tập và giảng dạy trên hệ thống công nghệ giáo dục điện tử. Lưu trữ kho học liệu gồm: Giáo trình, sách điện tử, tài liệu tham khảo, bài kiểm tra đánh giá, bản trình chiếu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học,… phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học. Tạo diễn đàn trao đổi và các công cụ khác để trao đổi về học tập, giải đáp thắc mắc của học viên có sự tham gia của giảng viên, trợ giảng. Cung cấp thông tin liên quan đến bồi dưỡng trực tuyến gồm văn bản, quy chế, quy định liên quan đến bồi dưỡng trực tuyến; Chương trình bồi dưỡng, đề cương môn học, kế hoạch bồi dưỡng trực tuyến; Thời khóa biểu, hướng dẫn học tập, kiểm tra, đánh giá với từng nội dung bồi dưỡng trực tuyến; Đường dẫn truy cập các nội dung học tập liên quan; Cung cấp thông tin về giảng viên (trình độ, kinh nghiệm,...); Nội quy học trực tuyến.

Cấu trúc của khóa học trực tuyến được chia theo từng phần, gồm có tên khóa học, đối tượng học, thời gian diễn ra khóa học, bài giảng điện tử, giáo trình, diễn đàn trao đổi, bài kiểm tra đánh giá, phiếu khảo sát ý kiến phản hồi của người học về khóa học. Học liệu điện tử phải có nội dung bám sát mục tiêu bồi dưỡng, có tính sư phạm cao, dễ sử dụng, đáp ứng được nhu cầu tự học của người học.

Chi tiết Quyết định số 680/QĐ-BHXH xem tại đây.

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn