Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bỏ Sổ hộ khẩu trong Luật Cư trú (sửa đổi)
23/04/2020 08:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 22/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương CCHC và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Cư trú (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống, làm ăn; trình tự, thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, kịp thời, công khai, minh bạch, không gây phiền hà, tiêu cực; đồng thời, bảo đảm cho công tác đăng ký, quản lý cư trú có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trên cơ sở xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa 2 nhóm chính sách. Đó là, nhóm chính sách về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú; và nhóm chính sách về quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Trình bày ý kiến thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, xóa đăng ký thường trú, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú... để bảo đảm các quy định này không gián tiếp tạo thành các rào cản đối với công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát các Luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong các văn bản dưới luật thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất lộ trình sửa đổi để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú khi được Quốc hội thông qua…
Về việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ủy ban Pháp luật nhìn nhận, phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Bên cạnh đó, điều khoản chuyển tiếp khi thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu cũng hết sức quan trọng, vì có ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, BHXH, BHYT, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…).
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng bày tỏ, nếu bỏ được sổ hộ khẩu là cuộc cách mạng như bỏ sổ gạo thời bao cấp trước đây, thay bằng phương thức quản lý mới, hiện đại và thuận tiện cho người dân với số định danh cá nhân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận thấy dự thảo Luật này rất tiến bộ, “vì người dân khổ sở về cái sổ hộ khẩu này lắm rồi”. Người dân đi đâu, làm gì cũng phải kè kè cái sổ hộ khẩu từ làm việc, học hành, chữa bệnh. Nhiều nước đã bỏ quản lý công dân bằng hộ khẩu, tạo thuận lợi cho người dân, ngăn ngừa được tiêu cực, nâng cao hiệu quản lý nhà nước về dân cư. “Người dân mất sổ hộ khẩu như mất sổ gạo trước đây, bản thân tôi cũng đã từng mất sổ hộ khẩu nên rất hiểu vấn đề này”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội tán thành cao việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng số định danh cá nhân, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, Luật này chính là cụ thể hoá Điều 23 của Hiến pháp 2013. Luật cụ thể nhiều hơn nữa, rõ hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, rà soát kỹ những quy định hạn chế quyền cư trú của công dân, cái gì hạn chế quyền của công dân phải được quy định trong luật chứ không phải văn bản dưới luật. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành việc bỏ quy định về riêng điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, tán thành việc dự án Luật này cần thiết đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9, thông qua vào kỳ họp thứ 10 tới đây.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình