Người “khơi nguồn” chính sách BHYT ở Việt Nam (Bài 2)
10/04/2020 03:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày hôm nay, khi công tác tổ chức thực hiện BHYT đạt được những kết quả ấn tượng: 90% dân số tham gia BHYT, tương ứng 85,95 triệu người đã có thẻ BHYT. Đón nhận thông tin này, bác sĩ Trần Khắc Lộng – một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của chính sách BHYT có những cảm xúc thật đặc biệt.
Bắt đầu từ một Nghị định
Từ định hướng của Đảng, Nhà nước, rõ nhất là nội dung đã được quy định tại Điều 39 Hiến pháp năm 1992, sau nhiều cân nhắc, ngày 15/8/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt chính thức ký ban hành Nghị định 299-HĐBT.
Ngày 01/9/1992, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định số 934/BYT-QĐ bổ nhiệm bác sĩ Trần Khắc Lộng, Trưởng Ban Dự thảo pháp lệnh BHYT giữ chức vụ Giám đốc BHYT Việt Nam;
Đó là tài sản lớn nhất BHYT Việt Nam có được khi đó. Cầm trong tay Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng, mọi thứ gần như là con số 0 để bắt đầu, bác sĩ Trần Khắc Lộng tâm sự. Cũng không có nhiều thời gian để suy nghĩ, vẫn với tinh thần người lính, bắt tay thật nhanh vào mọi việc. Tìm thuê địa điểm làm trụ sở, tìm những nhân sự đầu tiên; huy động nguồn kinh phí triển khai ban đầu, bằng cả việc đi vay tiền… để triển khai tổ chức thực hiện Nghị định. Một núi công việc khởi sự của cả ngành BHYT Việt Nam chỉ được chuẩn bị trong vòng từ ngày 15/8 đến 01/10/1992 – thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành, chiếc thẻ BHYT đầu tiên được phát hành tại trụ sở cơ quan BHYT Việt Nam.
Ngày 11/9/1992, Bộ trưởng Bộ ra Quyết định số 958/BYT-QĐ thành lập BHYT Việt Nam, đặt trụ sở tại 28 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Ngay lập tức BHYT Việt Nam phải tham mưu ngay với Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 299 - HĐBT. Ngày 18/9/1992, Liên bộ Y tế - Tài chính - Lao động Thương binh - Xã hội ban hành Thông tư 12/TT-LB hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Nghị định. Ngày 29/9/1992, cắt băng khai trương văn phòng BHYT Việt Nam; cùng ngày Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định ban hành mẫu thẻ BHYT, ban hành mã danh mục số cơ quan BHYT Trung ương, BHYT tỉnh, thành phố. Cũng trong tháng 9/1992, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị toàn quốc tại Hà Nội triển khai Nghị định BHYT với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cán bộ làm công tác BHYT…
Nhìn lại và hướng tới
Ngày hôm nay, những thông tin đầy lạc quan về tổ chức thực hiện BHYT được lan tỏa: 90% dân số tham gia BHYT, tương ứng 85,95 triệu người đã có thẻ BHYT. Đón nhận thông tin này, bác sĩ Trần Khắc Lộng – một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của chính sách BHYT có những cảm xúc thật đặc biệt. Ông tâm sự: Gần 30 năm tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, chúng ta đã bắt đầu từ con số 0, với sự chủ động, sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ dám làm của toàn thể đội ngũ cán bộ BHYT ngay từ những ngày đầu, đã vượt qua mọi thiếu thốn, khó khăn; tin tưởng vào sự sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, quyết tâm, từng bước vượt qua những thăng trầm của thời cuộc, đưa chính sách an sinh xã hội đi vào cuộc sống của Nhân dân như ngày nay là một kỳ tích. Cho đến hôm nay đạt 90% dân số tham gia BHYT; từng bước đã chuyển khám, chữa bệnh chi từ ngân sách nhà nước sang khám, chữa bệnh bằng Quỹ BHYT. Thực sự đó là thành tựu lớn mà ít quốc gia nào làm được chỉ trong một thời gian ngắn như Việt Nam. Thành công không chỉ dừng lại ở tỷ lệ bao phủ, quan trọng hơn, qua thực tiễn tổ chức thực hiện BHYT, chúng đã từng bước đổi mới tư duy, dần xóa bỏ bao cấp trong khám, chữa bệnh và nhận thức một cách rõ ràng hơn về vị trí trụ cột của chính sách BHYT với An sinh xã hội của đất nước. Sự đổi mới tư duy ở đây là đồng bộ, toàn diện, thể hiện trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và trong cả nhận thức của từng người dân. Đến nay, hằng năm đã có hàng triệu trường hợp người bệnh được chi trả từ trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng từ Quỹ BHYT – là minh chứng sống động và thiết thực cho hiệu quả triển khai của một chính sách nhân văn, thể hiện rõ bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra khi nhìn lại một chặng đường đã qua. Trong đó, điều quan trọng nhất là đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, với những quan điểm, định hướng và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả tạo tiền đề xây dựng và phát triển chính sách hợp lòng dân, “của dân, do dân, vì dân”. Đội ngũ tổ chức thực hiện BHYT, từ thế hệ đầu tiên, những người kiến tạo chính sách, tiên phong mở đường thực hiện thí điểm, cho đến thế hệ kế cận hôm nay vẫn luôn luôn nỗ lực bền bỉ, cố gắng vượt qua những trở ngại phía trước, tiếp tục tuyên truyền đến Nhân dân hiểu thế nào là lợi ích của BHYT. Nay, hầu như mọi người đã mang theo bên mình tấm thẻ BHYT. Điều đó cho thấy: BHYT đã thực sự là của dân, do dân và vì dân; mình vì mọi người, mọi người vì mình. Đó là tính nhân văn cao đẹp của BHYT. BHYT là một chính sách trường tồn trong đời sống Nhân dân ta./.
tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình