20 triệu đối tượng được thụ hưởng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội
02/04/2020 08:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Ngày 1/4, Chính phủ công bố gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Liên quan đến nội dung này, tối cùng ngày, Bộ trưởng LĐ-TB-XH hội Đào Ngọc Dung cho hay, ước tính sẽ có gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động được thụ hưởng từ gói hỗ trợ này.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH, có 6 nội dung hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua Ngân hàng Chính sách để doanh nghiệp vay tiền trả lương cho người lao động; hai chính sách hỗ trợ đặc thù liên quan tới giãn đóng bảo hiểm xã hội, giãn, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Dự kiến quy mô của gói hỗ trợ này sẽ vào khoảng 61.580 tỉ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỉ đồng.
Với gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất ưu tiên chăm lo cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lao động mất việc làm… với mức hỗ trợ bằng tiền mặt trong 3 tháng.
Bộ LĐ-TB-XH đề xuất doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp phải giảm 50% lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm.
Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong ba tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.
Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, để sử dụng gói hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng, hạn chế tối đa khả năng tiêu cực có thể xảy ra, bên cạnh việc nỗ lực, phát huy trách nhiệm tối đa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp trong công tác rà soát đối tượng, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện hỗ trợ, Bộ LĐ-TB-XH sẽ giao các cơ quan của Bộ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động.
“Với gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19 này, tôi tin sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân, của những người có công với cách mạng, những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, những người lao động gặp khó khăn trong việc làm, thu nhập và nhất là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, cá thể và những người lao động tự do… Qua đó củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo Theo TTXVN/Vietnam+
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình