Cần sự chung sức giữa Nhà nước và DN đảm bảo đời sống cho NLĐ
02/04/2020 08:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chia sẻ về tác động của dịch bệnh Covid-19, ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong bối cảnh hiện nay rất cần sự chung sức giữa Nhà nước và DN để bảo đảm đời sống cho NLĐ.
Theo ông Phạm Minh Huân, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho việc làm, thu nhập của hầu hết NLĐ không ổn định, thậm chí mất việc làm; trong khi nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn. Các nước giàu có như Mỹ hỗ trợ mỗi người dân 1.000 USD, Anh hỗ trợ 80% lương cho NLĐ mất việc... Trong bối cảnh ngân sách của Việt Nam hạn chế không làm được như vậy, do đó cần cân nhắc mức hỗ trợ phù hợp, có thể từ 20%-30% lương tối thiểu vùng cho NLĐ mất việc làm. Đặc biệt, Nhà nước không thể làm thay hết cho DN, nhưng trong bối cảnh hiện nay, thì Nhà nước và DN phải cùng chung tay để NLĐ có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tối thiểu của gia đình trong thời gian chờ dịch bệnh qua đi.
Về chế độ BH thất nghiệp, ông Huân cho rằng, chính sách này được cân đối nguồn thu từ lao động có việc làm để hỗ trợ lao động mất việc làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả mọi DN, thì quỹ BH thất nghiệp rất khó cân đối. Bởi nghiên cứu về chính sách bao giờ cũng phải tính dài hơi, mức đóng cố định nhưng số người hưởng tăng lên đột biến trong bối cảnh dịch bệnh, thì quỹ này rất khó đáp ứng được. Với NLĐ có nhu cầu học nghề thì có thêm một phần hỗ trợ đào tạo nghề. Mức đóng BH thất nghiệp hiện nay chỉ hỗ trợ được vậy, giờ số lao động mất việc tăng lên đột biến, nên muốn hỗ trợ thêm cũng rất khó, do đó cần có gói hỗ trợ khác đối với NLĐ thất nghiệp.
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, gói hỗ trợ của Chính phủ cũng cần hỗ trợ cho 20 triệu lao động khu vực phi chính thức và số tiền này lấy từ NSNN và ngân sách các địa phương. Vấn đề này, các nước trên thế giới đã làm vậy, hình thành những gói cứu trợ nền kinh tế, gói hỗ trợ NLĐ mất việc làm để phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh.
Theo đó, có 2 đối tượng cần hỗ trợ là NLĐ thiếu việc làm và NLĐ mất việc làm. Việc hỗ trợ nhằm giúp họ duy trì cuộc sống. Đối với NLĐ mất việc do dịch Covid-19, ngoài chế độ BH thất nghiệp, Nhà nước cần tính toán để có chính sách hỗ trợ thêm họ một khoản thu nhập. Người mất việc sẽ có nhu cầu đào tạo nghề, đi tìm việc làm mới, nên cần hỗ trợ người thất nghiệp tìm được việc làm mới nhanh nhất. Chẳng hạn như hỗ trợ dịch vụ kết nối, giới thiệu việc làm cho NLĐ; trường hợp người mất việc có nhu cầu học nghề nên hỗ trợ họ một phần hoặc toàn bộ kinh phí học nghề.
Hiện nay, nhiều NLĐ thiếu việc làm, phải giãn, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, hoãn HĐLĐ do dịch bệnh. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tính toán hỗ trợ thêm cho NLĐ khi họ bị giảm lương, giảm thu nhập. “Trong bối cảnh khó khăn chồng chất do dịch bệnh, nhiều DN vẫn muốn giữ chân lao động để phục vụ cho quá trình khôi phục lại sản xuất khi dịch bệnh kết thúc. DN tính bài toán đường dài, thì Nhà nước cũng cần có cơ chế cùng DN hỗ trợ NLĐ, giúp DN duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn. Mặt khác, trong giai đoạn giãn đóng BHXH cho NLĐ, cũng cần tính toán để bảo đảm các chế độ an sinh cho NLĐ trong trường hợp bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và duy trì chính sách BH thất nghiệp, BHXH”- ông Huân nhấn mạnh.
Theo baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình