Dù khó khăn NSNN vẫn đảm an sinh xã hội cho người dân, NLĐ
02/04/2020 08:24 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những vấn đề được các thành viên Chính phủ khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, số liệu tổng hợp nhanh của các DN cho thấy, có khoảng 10% số DN phải cắt giảm quy mô sản xuất. Sang đầu tháng 3, đặc biệt vào tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số DN. Đặc biệt, tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70-80%.
Đặc biệt, tính từ 1/1 đến 26/3/2020, đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: Vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống... “Nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý II/2020 sẽ có trên 250.000 lao động trong DN bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II/2020 sẽ có 400.000 lao động trong DN bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, khó đoán định. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh kép từ Covid-19 và dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm. “Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, ổn định sản xuất kinh doanh, giúp đỡ DN duy trì sản xuất, tăng cường khả năng chống chịu dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội”- Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Theo dự báo, trong các tháng tiếp theo, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp và khó lường; khả năng hấp thụ gói tín dụng 285.000 tỷ đồng từ năng lực sản xuất và kinh doanh của cộng đồng DN trong nước; rủi ro về tác động lây lan của suy giảm thương mại, sản xuất toàn cầu đối với tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của DN trong năm 2020; vốn FDI có xu hướng giảm do dịch bệnh làm các DN FDI hoạt động cầm chừng và tạm hoãn lại việc tăng vốn đầu tư trong thời gian tới...
“Để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Chỉ thị đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các DN, NLĐ bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ước tính tổng giá trị của các chính sách tiền tệ, tài chính khoảng 280.000 tỷ đồng, tương đương gần 12 tỷ USD”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Đáng chú ý, công tác chăm lo cho an sinh xã hội được triển khai sâu rộng, huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội, cộng đồng đối với công tác này. Các cấp, các ngành đã tập trung rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình đời sống của các đối tượng chính sách (NCC, hộ nghèo, hộ cận nghèo, NCT, NKT, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ...) để có biện pháp quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Đến nay, cả nước đã có 92/291 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong quý I/2020 là hơn 4.800 tỷ đồng (trong đó quà cho đối tượng chính sách, NCC là 2.900 tỷ đồng; người nghèo là 1.300 tỷ đồng; cứu đói, cứu trợ khác là 600 tỷ đồng), hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ KCB miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng…
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, nhấn mạnh việc hỗ trợ phải thực hiện trên các nguyên tắc như: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Nhà nước và DN cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho NLĐ; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ NSNN để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lực lượng liên quan chú ý bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc sống của người dân. Tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu, không để nền kinh tế bị đổ gãy, để đạt mức tăng trưởng cần thiết đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cần đẩy mạnh các công cụ kinh tế trong thời gian này bằng cách kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí và giảm chi tiêu công… “Có mức hỗ trợ phù hợp cho NLĐ, người nghèo, nhất là người yếu thế, mất việc. Như “một chiếc lò xo bật lên”, chuẩn bị tinh thần “biến nguy thành cơ” để tăng trưởng trong thời gian sớm nhất”- Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng hoan nghênh Tổng Công ty Điện lực (EVN) và Bộ Công Thương có phương án giảm giá điện và đề nghị tiếp tục giảm giá các mặt hàng thiết yếu khác; không được tăng giá trong thời điểm này. Đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp về mức thuế, phí, lệ phí, lãi suất. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, giảm thiểu chi phí hội nghị, công tác nước ngoài và đảm bảo đủ kinh phí phòng chống dịch.
“Về chủ trương đối với vấn đề an sinh xã hội, chỉ hỗ trợ đối với những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không đảm bảo mức sống tối thiểu do Covid-19 gây ra, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Quá trình triển khai cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chia sẻ khó khăn với người dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và bố trí nguồn lực hợp lý giữa Trung ương và địa phương”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình