Vai trò của BHXH trong đại dịch Covid-19 (Bài 03)

30/03/2020 08:29 AM


Trước những biến động phức tạp của đại dịch Covid-19, là một lưới an toàn để bảo vệ người lao động trước những rủi ro trong lao động và cuộc sống, BHXH (bao gồm cả BHTN, BHYT) cần thực hiện các giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ứng phó với những tác động đến việc làm, thu nhập.

(Ảnh minh họa)

Một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của BHXH trước đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến người lao động trên ba khía cạnh: Mất/giảm việc làm, phát sinh chi phí y tế và giảm thu nhập do nghỉ ốm. Sự điều chỉnh kịp thời chính sách BHXH, BHYT, BHTN và sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện thu, chi các chế độ BHXH, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết BHTN cho người lao động là cần thiết để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến người lao động, thể hiện vai trò là lưới an toàn bảo vệ người lao động trước rủi ro làm mất, giảm thu nhập của chính sách BHXH.

- Đối với những quy định được điều chỉnh để kịp thời ứng phó với đại dịch, cơ quan BHXH tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp, người lao động kịp thời nắm bắt thông tin. Đồng thời, trong bối cảnh con người cảm nhận rõ rệt nhất sự bất lực của con người trước dịch bệnh, đây là cơ hội để tác động đến ý thức của người tham gia BHXH về tầm quan trọng của chính sách BHXH, từ đó, chủ động, tự giác tham gia.

- Thực hiện dự báo biến động lao động tham gia và hưởng BHXH, đo lường những tác động của đại dịch COVID-19 một cách toàn diện đến BHXH bao gồm số lao động tham gia BHXH (bắt buộc, tự nguyện), sự suy giảm tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, số thu của Quỹ BHXH, số lao động và doanh nghiệp tạm dừng đóng BHXH, số lao động nhận trợ cấp BHTN, trợ cấp ốm đau, nhận quyền lợi BHYT, khả năng cân đối của Quỹ BHXH…

- Tiến hành dự báo, chuẩn bị nguồn lực cho việc chi trả các chế độ BHXH ảnh hưởng trực tiếp và trước mắt bởi đại dịch Covid-19.

- Có sự chuẩn bị về nhân lực, tiếp tục đổi mới quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp giữa người lao động và cán bộ, nhân viên BHXH. Các kênh tư vấn về những điều chỉnh chính sách, tổ chức thực hiện BHXH do tác động của dịch bệnh Covid-19 cần được duy trì, phổ biến thông qua đường dây nóng, website của cơ quan BHXH, chính quyền địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh.

- Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi biến động của dịch bệnh, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề mới phát sinh của thực tiễn để kịp thời tham mưu chính sách, điều chỉnh quá trình tổ chức thực hiện; góp phần cùng cuộc chiến chống dịch của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động.

Bài 01. Tác động của đại dịch COVID-19 đối với người lao động

Bài 02. Ứng phó về chính sách và tổ chức thực hiện BHXH trước tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

Tài liệu tham khảo

[1] ILO, 2020, COVID-19 and world of work: Impacts and responses

[2] Lee, A. and J. Cho, 2016, The impact of epidemics on labor market: identifying victims of the Middle East Respiratory Syndrome in the Korean labour market.

[3] http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/no-luc-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-truoc-tac-dong-cua-dich-covid-19-22765

[4] http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/202003/t20200316_1732244.html

[5]. http://www.trungtamwto.vn/su-kien/15086-kinh-te-viet-nam-va-the-gioi-duoi-bong-ma-covid-19

[6] https://www.brookings.edu/research/the-global-macroeconomic-impacts-of-covid-19-seven-scenarios/

TS.Hoàng Bích Hồng – TS.Mai Thị Dung

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn