Vai trò của BHXH trong dịch Covid-19 (Bài 01)

24/03/2020 02:07 PM


Trước những biến động phức tạp của đại dịch COVID-19, là một lưới an toàn để bảo vệ người lao động trước những rủi ro trong lao động và cuộc sống, BHXH (bao gồm cả BHTN, BHYT) cần thực hiện các giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện, kịp thời hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp ứng phó với những tác động lên việc làm, thu nhập do dịch bệnh gây ra.

(Ảnh minh họa)

Tác động của đại dịch COVID-19 đối với người lao động

Đại dịch COVID-19 từ vấn đề y tế đã chuyển thành một cú sốc kinh tế và lao động, tác động đến cả cung (sản xuất hàng hóa, dịch vụ) và cầu (tiêu dùng, đầu tư). Các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hay tập đoàn kinh tế, từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng đều đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trước sự suy giảm đáng kể trong doanh thu, mất khả năng thanh toán và mất việc làm trong hầu hết các lĩnh vực.

Đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới: Dữ liệu từ National Bureau of Statistics of China cho thấy tổng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm 13,5% trong hai tháng đầu năm 2020 [4]. Trong các ngành dễ bị tác động bởi dịch bệnh như du lịch, theo đánh giá ban đầu của Hội đồng Thương mại và Du lịch Thế giới dự báo sự sụt giảm lượng khách quốc tế lên tới 25% vào năm 2020. Chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đã bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đều phải dành phần chi tiêu ngân sách để ứng phó với dịch bệnh thay vì đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Dưới góc độ doanh nghiệp, môi trường đầu tư còn ẩn chứa nhiều nguy cơ, biến động, các doanh nghiệp có xu hướng trì hoãn đầu tư, mua hàng hóa và thuê nhân công. Quy định về việc hạn chế di chuyển, biên giới đóng cửa và các biện pháp kiểm dịch dẫn đến nhiều người lao động không thể di chuyển đến nơi làm việc. Hai yếu tố này dẫn đến thu nhập của người lao động bị giảm. Yếu tố này một lần nữa lại ảnh hưởng đến nhu cầu và khả năng tiêu dùng của người dân. Vòng quay luẩn quẩn này cùng với tốc độ lây lan nhanh của đại dịch Covid-19 sẽ tác động sâu rộng đến thị trường lao động, cụ thể ảnh hưởng tới người lao động trên ba khía cạnh cơ bản: [1]

 (i) Gia tăng tình trạng thất nghiệp

Số lượng công việc trên toàn thế giới bị tác động bởi COVID-19 trên cả hai dạng: thất nghiệp và thiếu việc làm. Tình trạng thiếu việc làm và tình trạng chuyển đổi từ việc làm chính thức sang việc làm không chính thức được dự kiến ​​sẽ tăng trên quy mô lớn. Đối với tình trạng thất nghiệp, ILO dựa trên ba kịch bản khác nhau về tác động của COVID-19 đến tăng trưởng GDP toàn cầu (kịch bản tác động thấp- trung bình- cao) được mô phỏng bởi McKibbin và Fernando (2020) [6]. Theo đó, năm 2019, số lao động bị thất nghiệp trên thế giới là 188 triệu người; dự báo số lao động thất nghiệp toàn cầu tăng trong khoảng từ 5,3 triệu (kịch bản tác động thấp) và 24,7 triệu (kịch bản tác động cao) so với năm 2019. Từ những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và phương pháp dự báo thất nghiệp dựa trên dự báo tăng trưởng GDP, những ước tính của ILO vẫn không chắc chắn, nhưng tất cả các số liệu cho thấy sự gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu. 

 (ii) Phát sinh chi phí y tế

Chi phí y tế phát sinh bao gồm chi phí cơ bản (phí xét nghiệm và điều trị) và chi phí bổ sung (nếu có) ví dụ "phí cơ sở vật chất" (facility fee) ở Mỹ. Tùy từng quốc gia mà hai khoản chi phí cơ bản được chi trả bởi Chính phủ, bởi Quỹ BHYT, bảo hiểm sức khỏe tư nhân hoặc cá nhân người bệnh tự chi trả. Theo một phân tích của Tổ chức Kaiser Family Foundationt - một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề y tế quốc gia, cũng như vai trò của Mỹ trong chính sách y tế toàn cầu tại, việc xét nghiệm Covid-19 được miễn phí. Tuy nhiên, người bệnh nếu đến khám ở các bệnh viện sẽ phải chịu nhiều khoản phí khổng lồ khác, trung bình chi phí điều trị với một người bệnh COVID-19 ở Mỹ đã được chủ lao động mua bảo hiểm (và không gặp những biến chứng nào khác) vào khoảng 9.763 USD. Những người phải điều trị thêm các biến chứng có thể phải thanh toán hóa đơn gấp đôi mức đó là 20.292 USD. Một số quốc gia xác định trách nhiệm thanh toán chi phí xét nghiệm và điều trị COVID-19 bằng một số điều kiện ràng buộc, ví dụ, tại Đức, công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm thanh toán 282 USD/lần xét nghiệm nếu bác sỹ quyết định cho bệnh nhân xét nghiệm virus và không chi trả nếu bệnh nhân đề nghị được xét nghiệm; tại Singapore miễn phí xét nghiệm và điều trị cho công dân và người có thị thực nhập cảnh dài ngày, miễn phí xét nghiệm nhưng vẫn thu phí điều trị đối với người nước ngoài nhiễm COVID-19. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, người bệnh được miễn phí xét nghiệm, điều trị bệnh COVID-19.

 (iii) Giảm thu nhập do thiếu việc làm và nghỉ ốm

Như đã chứng kiến ​​từ các cuộc khủng hoảng trước đây, cú sốc đối với nhu cầu lao động có khả năng chuyển thành những điều chỉnh giảm đáng kể đến tiền lương và thời gian làm việc. Tình trạng thiếu việc làm, chuyển đổi từ việc làm chính thức sang việc làm không chính thức và thất nghiệp đều dẫn đến tổn thất thu nhập cho người lao động. Tổng thiệt hại trong thu nhập lao động dự kiến ​​trong khoảng từ 860 đến 3,440 tỷ USD. Tổn thất về thu nhập dẫn đến người lao động giảm nhu cầu và khả năng tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, gây gián đoạn trong kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Xét theo đối tượng bị giảm thu nhập do thất nghiệp và nghỉ ốm, theo nghiên cứu của Lee, A. and J. Cho (2016), dịch tễ và khủng hoảng kinh tế có thể có tác động khác nhau đến các nhóm dân số nhất định, làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội. Dựa trên kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây và thông tin hiện tại về đại dịch COVID-19, một số các nhóm dân cư được ILO xác định có nguy cơ ảnh hưởng cao bao gồm:

Những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và người già có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và khó phục hồi nhất trong các nhóm tuổi,

Những người trẻ tuổi, đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao hơn, là đối tượng dễ bị tổn thương hơn với nhu cầu lao động giảm,

Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều trong đại dịch do:

- Tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi đại dịch (58,6% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ) (ILO, 2020)

- Tỷ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nghề ở tuyến đầu của việc đối phó với đại dịch như y tá, điều dưỡng.

- Phụ nữ (ở một số quốc gia) cũng ít được tiếp cận với bảo trợ xã hội và hệ thống y tế hơn so với nam giới (ILO, 2018).

Người lao động thuộc nhóm lao động không chính thức, lao động tự tạo việc làm không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, do đó không được bảo vệ bởi BHXH. Khi bị nhiễm virus, họ không được hưởng các chế độ của người lao động thông thường như nghỉ phép, nghỉ ốm. Khi chẳng may bị tử vong do virus, họ không được nhận quyền lợi tử tuất và mai táng phí.

Lao động di cư (trong nước) và lao động nhập cư (ở nước ngoài) đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 do tác động bởi quy định về hạn chế việc di chuyển lao động, quy định đóng cửa biên giới, quy định cấm nhập cảnh/xuất cảnh… để chống dịch.

Đối với Việt Nam: Tác động của đại dịch COVID-19 đến Việt Nam không nằm ngoài quy luật chung. Với quan điểm quyết liệt đúng đắn của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh làm tình trạng bùng phát của dịch được kiểm soát khá tốt. Đến nay, Việt Nam vẫn đang được đánh giá là quốc gia khống chế dịch tốt nhất. Tuy nhiên, những khó khăn mà dịch bệnh tạo ra thì chúng ta vẫn đang phải đối mặt. Đó là sức ép lớn đối với hệ thống y tế, tiền lương sụt giảm và năng suất thấp hơn do người lao động nghỉ ốm và nghỉ/giảm giờ làm. Nỗi lo sợ bị lây bệnh và nỗ lực hạn chế tình trạng lây lan dẫn đến những gián đoạn về giao thông vận tải, chuỗi cung ứng trong ngành chế tạo, việc cung cấp hầu hết các dịch vụ, đóng cửa các trường học và doanh nghiệp. Các ngành sử dụng lao động lớn nhất như: dệt may, hàng không, dịch vụ, du lịch… bị tác động mạnh bởi Covid-19. Riêng ngành dệt may hiện đang sử dụng 2,8 triệu lao động, hiện nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ. Dịch vụ vận tải với gần 500.000 lao động đang làm việc cũng bị ảnh hưởng lớn. Biện pháp trước mắt ngành hàng không đang thực hiện là cắt giảm lương từ 20 - 40% tùy từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để giảm chi phí. Đối với ngành du lịch, khách du lịch chiếm tỷ trọng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… không đến hoặc bị tạm dừng cấp thị thực đến Việt Nam do dịch bệnh [4]. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ và toàn diện trên bình diện quốc gia, song chắc chắn việc chống lại dịch bệnh sẽ tác động đáng kể đến kinh tế- xã hội nói chung và việc làm, tiền lương của người lao động nói riêng.

Tài liệu tham khảo

 [1] ILO, 2020, COVID-19 and world of work: Impacts and responses

 [2] Lee, A. and J. Cho, 2016, The impact of epidemics on labor market: identifying victims of the Middle East Respiratory Syndrome in the Korean labour market.

 [3] http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/no-luc-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-truoc-tac-dong-cua-dich-covid-19-22765

[4]  http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/202003/t20200316_1732244.html

[5] http://www.trungtamwto.vn/su-kien/15086-kinh-te-viet-nam-va-the-gioi-duoi-bong-ma-covid-19

[6] https://www.brookings.edu/research/the-global-macroeconomic-impacts-of-covid-19-seven-scenarios/

TS.Hoàng Bích Hồng-TS.Mai Thị Dung

(Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Lao động- Xã hội)

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn