Gỡ khó cho đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội
24/03/2020 08:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
NDĐT- Dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp khi tình hình sản xuất đình trệ, kinh doanh khó khăn. Trong quý đầu của năm 2020, hơn 378 nghìn người được chi trả trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019. Nhằm gỡ khó doanh nghiệp, các cơ quan liên quan đã đồng ý tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tháng 6 năm nay.
Ảnh minh họa: Đăng Khoa.
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, và tử tuất đến tháng 6 năm 2020
Ngày 17-3, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Công văn hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp (DN) bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) ảnh hưởng.
Đây là hoạt động hỗ trợ người sử dụng lao động vượt qua khó khăn khi đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, khi tình hình sản xuất đình trệ. Đồng thời, cũng triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CP-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ,
Điều kiện đối với các DN, đơn vị thuộc diện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất là gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động. Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên. Hoặc, doanh nghiệp bị thiệt hai hơn 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra, không kể giá trị tài sản là đất.
DN có văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất kèm theo văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại gửi cơ quan BHXH để tạm dừng tính thu quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN.
Trong đó, thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc đối với DN thuộc UBND địa phương quản lý, do cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương xác định.
Đối với DN thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, do Bộ, ngành xác định, số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc được tính so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
Thẩm quyền xác định giá trị tài sản bị thiệt hại đối với DN thuộc UBND địa phương quản lý, do cơ quan Tài chính địa phương xác định. Đối với DN thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, do cơ quan tài chính của Bộ, ngành hoặc Bộ Tài chính xác định. Giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của DN, cơ quan xác định số lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc, hoặc cơ quan xác định giá trị tài sản bị thiệt hại có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời DN.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6 năm 2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của DN và không tính lãi theo quy định.
Với trường hợp đến hết tháng 6 năm 2020, dịch Covid-19 vẫn chưa giảm, nếu DN có đề nghị, kịp thời phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12 năm 2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra, nếu DN không có dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, hằng tháng đôn đốc DN đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động (TNLĐ-BNN), quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và BH thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Đặc biệt, kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6 năm 2020), kịp thời thông báo và đôn đốc DN đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.
BHXH các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tránh lạm dụng, trục lợi.
Hiện nay, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH như ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí và tử tuất), BHYT và BH thất nghiệp là 32% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng. Trong đó, khoản đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ trọng lớn với tỷ lệ là 22%, tương đương hơn 2/3 tổng số tiền đóng vào các quỹ.
Hơn 2.100 tỷ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp
Dịch Covid-19 khiến nhiều DN lao đao, làm tăng tỷ lệ người lao động thất nghiệp. Trong quý 1 năm nay, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN) ước thực hiện là 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019 là 346.582 người.
Số tiền được chi trả ước thực hiện là 2.119 tỷ đồng. Bên cạnh đó, con số được chi trả hỗ trợ học nghề ước thực hiện là 8.160 người, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019 (7.409 người), với ngân sách chi trả ước thực hiện là 18 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, người lao động thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ. Cụ thể như:
Trước hết, người lao động được nhận TCTN hằng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa), thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia BH thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Bên cạnh đó, họ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa một triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá sáu tháng.
Đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh mà buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa một triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá sáu tháng.
Như vậy, tác động của dịch bệnh Covid 19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Nhiều DN thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ…, dẫn đến việc làm của một bộ phận người lao động bị cắt.
Với vai trò của mình, chính sách BH thất nghiệp đã giúp bảo đảm phần nào đời sống của bản thân một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đóng vai trò tích cực trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Đặc biệt, với các trường hợp người lao động bị thất nghiệp đang chờ nhận TCTN phải đi cách ly y tế, hoặc bị nhiễm Covid-19 không thể đến nhận tiền TCTN theo thời hạn quy định, BHXH Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền TCTN bằng thời gian cách ly y tế hoặc điều trị do nhiễm Covid-19 để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng chủ yếu là những trường hợp không đến nhận tiền, nhưng gần quá thời hạn ba tháng kể từ ngày hết hạn hưởng ghi trên quyết định.
Theo https://www.nhandan.com.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình