Từ ngày 15/04/2020: Xử phạt hành chính nếu không tham gia BHXH, BHYT cho lao động giúp việc gia đình
19/03/2020 09:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2020, về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trường hợp người sử dụng lao động (chủ nhà) không tham gia BHXH, BHYT cho người giúp việc sẽ bị xử phạt ở mức 10-15 triệu đồng.
(Ảnh minh họa)
Ở Việt Nam hiện nay, đời sống kinh tế - xã hội ngày một phát triển, thu nhập, của cải tích lũy của các tầng lớp nhân dân được cải thiện, nhất là ở đô thị, thành phố lớn. Từ thực tế này, lao động giúp việc gia đình trở nên quan trọng, góp phần giải quyết sinh kế cho người lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động, lao động giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình (các công việc trong hợp đồng lao động được lặp đi lặp lại theo một khoảng thời gian nhất định như hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng) của một hoặc nhiều hộ gia đình, gồm nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD), đa phần lao động giúp việc gia đình là nữ giới, xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn không cao: 84,6% người lao động có trình độ học vấn THCS trở xuống, 22% người lao động có trình độ Tiểu học trở xuống, đây cũng là lĩnh vực có sự tham gia của lao động nữ chưa thành niên, người cao tuổi...; do đó, việc quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động về các chế độ An sinh xã hội cho lao động giúp việc gia đình luôn được Đảng, Chính phủ coi trọng và đã được Luật định.
Bước đột phá về chính sách pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho lao động giúp việc gia đình
Đây là nhận định của các chuyên gia khi hơn gần 06 năm trước Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07/04/2014 được Chính phủ ban hành; theo đó, Điều 19 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ hạn trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo BHXH, BHYT. Với quy định này, lao động giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội, được ký hợp đồng lao động và tạo điều kiện tham gia BHXH, BHYT như các nghề khác.
Tuy nhiên, khi triển khai vào thực thế, một trong các bất cập được ghi nhận là phần lớn giúp việc gia đình gia đình thường là người cao tuổi hoặc trẻ em, nhận thức về quyền lợi BHXH, BHYT hạn chế, sẽ bị người sử dụng lao động “lờ” đi “khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT” như Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định. Do đó, cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể để triển khai hiệu quả Nghị định số 27/2014/NĐ-CP, bảo đảm quyền lợi cho lao động giúp việc gia đình.
Chính thức xử phạt hành chính trường hợp không tham gia BHXH, BHYT cho lao động giúp việc gia đình
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; theo đó, quy định người sử dụng lao động sẽ bị phạt cảnh cáo khi: Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Đáng chú ý, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi của “người lao động làm công việc giúp việc nhà” (lao động giúp việc gia đình). Cụ thể, Điều 29 - Vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng nếu không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm. Biện pháp khắc phục hậu quả “đính kèm” là “buộc trả đủ tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc gia đình”.
Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng cũng áp dụng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình; sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người lao động cao tuổi. Bên cạnh đó, phạt tiền 2-5 triệu đồng nếu không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định hoặc không rút ngắn thời gian làm việc với người lao động trong năm cuối trước khi nghỉ hưu; phạt tiền lên đến 10-20 triệu đồng nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về nghỉ hàng tuần, năm hoặc nghỉ lễ, tết; phạt tiền 20-25 triệu đồng nếu huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của họ...
Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình