Sửa đổi quy định về BH TNLĐ-BNN: Sẽ thuận lợi hơn cho DN và NLĐ
18/03/2020 08:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau 3 năm thực hiện Luật ATVSLĐ và Nghị định số 37/2016/NĐ-CP hướng dẫn về bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp bắt buộc đã đem lại nhiều thuận lợi cho DN và NLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, đòi hỏi phải xây dựng Nghị định mới thay thế nhằm tạo thuận lợi hơn cho NLĐ…
Hỗ trợ kịp thời DN và NLĐ
Theo ông Hà Tất Thắng- Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH), để triển khai chính sách bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp (BH TNLĐ-BNN), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật ATVSLĐ về BH TNLĐ-BNN bắt buộc. Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ BH TNLĐ-BNN bắt buộc.
Thực hiện tốt BH TNLĐ-BNN sẽ giúp NLĐ yên tâm
Năm 2017, căn cứ vào thực tế tồn dư quỹ TNLĐ-BNN (năm 2014 quỹ TNLĐ-BNN kết dư khoảng 16.300 tỷ đồng; năm 2016 kết dư khoảng 26.000 tỷ đồng; đến cuối năm 2018 kết dư khoảng 40.000 tỷ đồng) để hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm NSNN, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ giảm mức đóng từ 1% trên quỹ tiền lương xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương. Với chính sách này, mỗi năm tiết kiệm cho NSNN gần 1.000 tỷ đồng và cho DN gần 3.000 tỷ đồng.
Với việc thực hiện quy định của Luật ATVSLĐ và Nghị định số 37/2016/NĐ-CP, hầu hết các trường hợp TNLĐ-BNN đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ-BNN theo quy định của pháp luật. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2018, các cơ quan BHXH đã chi khám giám định thương tật bình quân hơn 1,9 tỷ đồng/năm; chi trợ cấp bình quân gần 148 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân gần 67 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ-BNN trong năm 2018 là 200 triệu đồng. Năm 2017 phê duyệt hỗ trợ kinh phí huấn luyện từ BHXH hơn 96 tỷ đồng cho 38.276 người; năm 2018 phê duyệt hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người tham gia BH TNLĐ-BNN bắt buộc gần 43 tỷ đồng; năm 2019 phê duyệt hỗ trợ đợt 1 cho hoạt động huấn luyện ATVSLĐ 32 tỷ đồng…
Đến nay, Cục ATLĐ đã tổ chức chi trả cho hơn 42.000 người hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng; hằng năm giải quyết chi trả cho khoảng 5.000 người hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN một lần. Công tác chi trả các chế độ từ quỹ TNLĐ-BNN được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo kịp thời gian và tiến độ, theo đúng chế độ, không gây phiền hà cho đối tượng. Giải pháp tổ chức chi trả ngày càng được cải tiến, nhất là đã tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý chi trả, khuyến khích người hưởng nhận qua tài khoản cá nhân. Chế độ một lần được chi qua tài khoản cá nhân hoặc chi cho người hưởng khi họ đến nhận tiền tại cơ quan BHXH. Riêng chế độ TNLĐ-BNN hàng tháng được chi trả qua cơ quan Bưu điện và đảm bảo hoàn thành trước ngày 10 hàng tháng, thực hiện chi trả đến tận nhà đối với người hưởng già yếu, ốm đau, đi lại khó khăn.
Đặc biệt, việc cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong công tác chi trả luôn hướng tới sự hài lòng của người hưởng. Theo đó, ngành BHXH đã tích cực cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chi trả và quản lý người hưởng qua hệ thống Bưu điện, trong đó có chi trả và quản lý người hưởng chế độ TNLĐ-BNN hàng tháng. Xây dựng quy trình chi trả theo hướng sử dụng chữ ký số để lập và chuyển các mẫu biểu, danh sách chi trả giữa cơ quan BHXH và cơ quan Bưu điện; dữ liệu của người hưởng được lưu trữ tại phần mềm để quản lý thông tin người hưởng...
Nghị định mới sẽ tạo thuận lợi hơn cho NLĐ
Dù vậy, quá trình tổ chức thực hiện chế độ TNLĐ-BNN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về nội dung chính sách như: Việc xác định một số trường hợp bị nạn hoặc mắc bệnh thuộc danh mục BNN nhưng có được coi là TNLĐ-BNN hay không; thủ tục hồ sơ làm cơ sở xét hưởng chế độ BHXH trong các trường hợp bị tai nạn được coi là TNLĐ… Đơn cử, trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc nhưng không gắn với thực thi công việc, nhiệm vụ được phân công (ví dụ NLĐ được giao công việc văn phòng nhưng lại bị tai nạn tại bộ phận sản xuất; tai nạn do việc riêng, vi phạm nội quy, quy chế của đơn vị); trường hợp bị đột tử tại nơi làm việc và trong giờ làm việc do yếu tố bệnh lý có sẵn. Rất khó để đoàn kiểm tra có thể xác định được là bị TNLĐ hay là do yếu tố bệnh lý. Hay như trường hợp tai nạn khi tham gia các hoạt động phong trào (thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, tham quan, nghỉ mát); trường hợp bị tai nạn ngoài nơi làm việc không phải trong khi thực hiện nhiệm vụ do người SDLĐ phân công nhưng vụ tai nạn lại liên quan đến việc thực hiện công vụ như bị hành hung vì lý do thực hiện công vụ…
Cùng với đó, chính sách BH TNLĐ-BNN còn vướng mắc do một số quy định về tài chính, TTHC quá phức tạp. Trong khi đó, mục đích chính của Luật ATVSLĐ đặt ra là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có HĐLĐ, chuyển mạnh từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ-BNN. “Vì vậy, để thực hiện tốt hơn chính sách này, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ bớt TTHC; quy định rõ và thuận lợi hơn với mức hỗ trợ cao hơn; quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn nhằm hỗ trợ DN thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ-BNN”- ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, DN rất ngại, thậm chí tránh né việc khám phát hiện BNN cho NLĐ vì tốn kém hơn so với khám sức khỏe bình thường. Khi phát hiện ra BNN, DN lại phải tốn kém rất nhiều chi phí chữa bệnh cho NLĐ. Bên cạnh đó, sẽ phải cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động. Bởi vậy, Nghị định thay thế sẽ quy định cụ thể về công tác KCB BNN, giúp DN giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi, chế độ cho NLĐ.
Cũng theo dự thảo, sẽ quy định về phục hồi chức năng cho NLĐ khi không may bị TNLĐ, bị suy giảm chức năng của các bộ phận cơ thể, khó làm được công việc bình thường, dễ bị sa thải, mất việc làm. Quy định hỗ trợ DN phục hồi chức năng cho NLĐ rất nhân văn, vừa giúp DN giảm chi phí phục hồi, giúp NLĐ phục hồi chức năng để có thể tiếp tục làm công việc phù hợp, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. NLĐ vì thế cũng yên tâm công tác, gắn bó với DN.
Cùng với đó, sẽ có quy định về điều tra lại các vụ TNLĐ-BNN theo đề nghị của cơ quan BHXH. Trước kia, khi đoàn điều tra TNLĐ đưa ra kết luận điều tra, có trường hợp cơ quan BHXH không đồng tình nên có thể gây ảnh hưởng đến DN, nhất là chế độ chính sách không thực hiện được, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và quỹ TNLĐ-BNN. Cơ quan chức năng khó tổ chức điều tra lại do chưa có quy định của pháp luật, không có kinh phí cho hoạt động này. Vì vậy, việc đưa ra quy định này sẽ giải quyết được dứt điểm vướng mắc nêu trên.
Một trong những nội dung mới trong dự thảo là hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ- hoạt động được xem là rất quan trọng trong phòng ngừa TNLĐ-BNN. Khi NLĐ được huấn luyện ATVSLĐ theo đúng các quy định của Luật ATVSLĐ, Nghị định số 44/2016/NĐ-CP và huấn luyện các giải pháp làm việc an toàn tại DN, cơ sở sản xuất, họ sẽ hiểu các rủi ro, biết cách phòng tránh nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ-BNN. Từ đó, biết bảo vệ mình và đồng đội xung quanh, đem lại hạnh phúc cho gia đình; đồng thời giảm chi phí, thiệt hại cho DN…
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình