Mong muốn nghiên cứu của JICA sẽ giúp BHXH Việt Nam có giải pháp phù hợp về BHYT
17/03/2020 08:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 16/3, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã tiếp và làm việc với Đoàn chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về tiến độ, hiệu quả Dự án xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả và gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại Việt Nam (SHIP).
SHIP là dự án được tiến hành từ tháng 10/2017, với sự phối hợp của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và JICA, với mục tiêu xây dựng các chính sách mang tính chiến lược, tăng cường hệ thống quản lý phương thức chi trả và gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả. Dự án hướng tới các hoạt động và 7 sản phẩm đầu ra, trong đó có 2 sản phẩm đầu ra liên quan trực tiếp đến hoạt động của BHXH Việt Nam, gồm: Cải thiện Hệ thống thông tin giám định BHYT và hỗ trợ mở rộng bao phủ BHYT thông qua hoạt động truyền thông chính sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hironari Onishi- Trưởng nhóm Tài chính y tế (JICA) đánh giá rất cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt việc áp dụng CNTT đã mang lại những bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách. Tuy nhiên, để hướng đến xây dựng hệ thống tài chính y tế bền vững, công bằng và hiệu quả để mọi người dân có cơ hội tiếp cận DVYT chất lượng cao mà không phải chi trả y tế cao và không bị rơi vào cảnh nghèo đói do gánh nặng chi phí y tế, thì chính sách BHYT của Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết.
Theo đó, hệ thống BHYT của Việt Nam chủ yếu được vận hành qua hình thức BHXH lấy nguồn thu chính từ phí bảo hiểm thu của người SDLĐ và NLĐ. Mặt khác, phí thu BHYT của các đối tượng như người nghèo và người cao tuổi... sẽ lấy từ NSNN hoặc được quỹ BHXH đóng. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng người tham gia bảo hiểm thương mại được đối đãi tốt hơn những người tham gia BHYT, bởi người tham gia bảo hiểm thương mại sẽ thanh toán tiền mặt cho cơ sở y tế và được công ty bảo hiểm hoàn lại, nên cơ sở y tế có nguồn thu tiền mặt và không phát sinh bất cứ khoản tiền nào chưa được thanh toán...
Tuy nhiên, ông Hironari Onishi cho rằng, dù trong trường hợp nào thì với vai trò là một tổ chức của quốc gia, cơ sở y tế có trách nhiệm xây dựng và phổ cập BHYT, nhất là cần tránh những hành vi đi ngược lại với hoạt động mở rộng và thúc đẩy tham gia BHYT. Đồng thời, phải xây dựng cơ chế ưu tiên tham gia BHYT hơn so với tham gia bảo hiểm thương mại...
Cũng theo ông Hironari Onishi, tại Việt Nam, cơ sở y tế được phép cung cấp đồng thời DVYT và thuốc- áp dụng cả với bệnh nhân có thẻ BHYT và bệnh nhân không có thẻ BHYT. Trong khi đó, hệ thống BHYT bao gồm phí thu từ người tham gia BHYT và tiền NSNN. Do vậy, cần xem xét, xác định phạm vi quyền lợi được hưởng một cách toàn diện, tính phù hợp của các chi phí phải trả cũng như chất lượng y tế mà người tham gia BHYT đáng được hưởng...
Ngoài ra, việc cung cấp DVYT ngoài bảo hiểm không nằm trong phạm vi quy định đó, thì cần phải xem xét một cách thận trọng, bởi có thể làm phát sinh chi phí không hợp lý mà bệnh nhân phải trả. Trong những trường hợp đó, gánh nặng tài chính của bệnh nhân khá lớn... “Để đạt được mục tiêu bao phủ y tế toàn dân mà Chính phủ đang xúc tiến, thì tính công bằng phải được đảm bảo. Nói cách khác, việc tiếp cận DVYT không nên bị giới hạn bởi mức thu nhập và cần có những thảo luận về xu hướng KCB công bằng...”- ông Hironari Onishi nhận định.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện JICA đã đưa ra kế hoạch dự thảo chiến lược của dự án SHIP, với mục tiêu cuối cùng là cung ứng DVYT chất lượng cao và giá rẻ, để giúp duy trì chăm sóc sức khỏe người dân. Kế hoạch chiến lược này được lập cho thời gian 10 năm tới, giải quyết các vấn đề trong tương lai và đưa ra định hướng phát triển hệ thống BHYT. Theo JICA, kế hoạch này được thiết lập cho quãng thời gian từ năm 2020 đến năm 2030, để đối phó với những vấn đề đã được làm rõ, trước khi già hóa dân số trở thành vấn đề xã hội vào năm 2035, nhằm thực hiện 7 mục tiêu gồm: Cải thiện chất lượng y tế; cải thiện khả năng tiếp cận với cơ sở y tế; thúc đẩy lợi nhuận của cơ sở y tế; mở rộng áp dụng và nâng cao độ tin cậy của BHYT; tăng cường quản lý và ổn định tài chính quỹ BHYT; thúc đẩy hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng; xem xét đối sách ứng phó già hóa dân số.
Đánh giá cao việc JICA đã cùng đồng hành trong suốt thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định: "BHXH Việt Nam rất quan tâm đến sản phẩm đầu ra của nghiên cứu này, nhất là những kết quả nghiên cứu có sự tác động tích cực tới việc thực hiện chính sách của BHXH Việt Nam". Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng cho rằng, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và mở rộng bao phủ BHYT là một trong những quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo an sinh xã hội và muốn đạt được mục tiêu này, cần thực hiện một số nhóm giải pháp nhất định.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam mong muốn nghiên cứu của JICA sẽ đưa ra được những đánh giá đúng nhất về một số vấn đề của chính sách BHYT mà Việt Nam đang gặp phải, để đề xuất các giải pháp hợp lý. Đặc biệt, với sự nỗ lực và phối hợp tốt từ phía các đơn vị liên quan và các chuyên gia Nhật Bản, BHXH Việt Nam sẽ sớm nhận được báo cáo đầy đủ nhất về các vấn đề mà hai bên đã thống nhất.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình