“Phép thử” của cải cách

16/03/2020 08:21 AM


Ứng dụng khai báo sức khỏe toàn dân (NCOVI) vừa được Bộ Y tế chính thức cho ra mắt là một công cụ mới được sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19. Việc người dân khai báo các thông tin sức khỏe của mình thông qua ứng dụng này sẽ giúp cơ quan chức năng cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, tránh lây lan; đồng thời hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh và hiệu quả nhất.

Cùng với các thông tin liên quan trực tiếp tới yếu tố sức khỏe, nhất là những lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19, khi khai báo điện tử qua ứng dụng, người dân còn có thể cung cấp thêm mã số BHXH của mình để ngành y tế và các cơ quan chức năng có thêm thông tin về quá trình khám, chữa bệnh được lưu trữ trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Trong công tác khám, chữa bệnh nói chung và điều trị cho những người không may dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 nói riêng, có thể nói, những thông tin về tiền sử bệnh là vô cùng quan trọng.

Ðể có được “lý lịch sức khỏe” của hơn 85 triệu người có thẻ BHYT, từ đó hình thành nên hệ thống dữ liệu không phải chuyện một sớm một chiều. Và cũng không chỉ sử dụng cho việc “dập dịch” hiện nay, các dữ liệu quan trọng về đối tượng tham gia BHXH, BHYT do hệ thống BHXH thu thập, lưu giữ và thường xuyên cập nhật trong thời gian qua còn hướng tới việc tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế dùng chung của ngành BHXH và ngành y tế, phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, tạo thuận lợi cho người dân mỗi khi có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế…

Không riêng những dữ liệu nêu trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã và đang thực hiện khá tốt việc quản lý, chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với các bộ, ngành khác như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, các cơ sở khám, chữa bệnh... Ngoài việc đáp ứng những yêu cầu trong công tác quản lý của ngành, những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng trong việc triển khai những tiện ích theo định hướng Chính phủ điện tử mà Cổng Dịch vụ công quốc gia là một điển hình. Theo đó, từ “bước đầu tiên” với việc triển khai dịch vụ cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất (áp dụng cho cả người dân và doanh nghiệp) qua một địa chỉ trực tuyến duy nhất (dichvucong.gov.vn), hiện nay, BHXH Việt Nam đang cùng Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc thực hiện những dịch vụ trực tuyến đó không chỉ tạo thuận lợi mà còn mang lại hiệu quả thực tế, đó là tiết giảm nhiều chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với những bước đà quan trọng đó, theo kế hoạch, trong năm nay, ngành BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… Ðặc biệt, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; triển khai kế hoạch hành động xây dựng Chính phủ điện tử; đồng thời triển khai ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động…

Tất cả những giải pháp nêu trên được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra những bước chuyển tích cực của ngành BHXH trong vai trò của cơ quan phục vụ, cung cấp dịch vụ công cho người dân; đồng thời góp phần hiệu quả vào việc thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và tất nhiên, là cung cấp cả những năng lực cần thiết để cùng cả nước vượt qua những “phép thử” trong những tình huống không mong muốn như trong trường hợp dịch Covid-19 đang xảy ra.

Theo https://www.nhandan.com.vn/