Chủ động và trách nhiệm

06/03/2020 08:03 AM


Trong những ngày vừa qua, diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) khiến cả thế giới lo ngại.

Tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này được triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như toàn thể người dân, qua đó đạt kết quả bước đầu quan trọng, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.

Một trong những biện pháp được Việt Nam thực hiện khá hiệu quả trong thời gian này, đó là các hoạt động giám sát, cách ly người đến từ vùng dịch và những người có nguy cơ bị lây nhiễm. Ðối với những trường hợp mắc bệnh, có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT), ngoài việc được chữa trị miễn phí theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, những đối tượng này cũng được giải quyết chế độ ốm đau theo quy định hiện hành về BHXH. Tuy nhiên, với những người lao động tham gia BHXH được áp dụng biện pháp cách ly y tế để phòng dịch, phải nghỉ việc nhưng không mắc bệnh, không phải điều trị tại bệnh viện, sẽ gặp vướng mắc trong bảo đảm quyền lợi.

Lường trước khó khăn trên, mới đây, BHXH Việt Nam vừa qua có văn bản đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý cho những trường hợp này được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế. Theo đó, đối với trường hợp cách ly tại cơ sở thì cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn (nếu có). Ðối với trường hợp cách ly tại nhà, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Y tế đồng ý để trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động (căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt có trách nhiệm).

Không chỉ quan tâm tới quyền lợi BHXH, với trách nhiệm của mình, từ cuối tháng 1-2020, BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo việc phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị với trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19. Tại văn bản này, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp sở y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khi nghi ngờ nhiễm vi-rút. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, nhất là các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi-rút thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế...

Mới đây, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thống nhất với ngành y tế về vấn đề bổ sung nguồn kinh phí đặc thù cho việc chống dịch. Theo đó, nếu các địa phương nhận thấy cần thiết phải có nguồn kinh phí phòng, chống và dập dịch thì cần sớm cho ý kiến để BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản lý và chủ động nguồn kinh phí trong năm 2020 để phòng, chống dịch bệnh...

Có thể thấy, những kiến nghị, đề xuất của BHXH Việt Nam nhanh chóng, kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền; cũng như những chỉ đạo của cơ quan được giao trách nhiệm thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với BHXH các địa phương trong việc bảo đảm quyền lợi cho những người tham gia BHXH, BHYT trong thời gian dịch Covid-19 là hết sức chủ động, kịp thời, với tinh thần trách nhiệm cao. Những biện pháp mà ngành BHXH đã và đang triển khai không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người tham gia mà còn giúp họ yên tâm trong thời gian thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc chặn đứng và từng bước đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Theo https://www.nhandan.com.vn/