Chủ động các giải pháp ứng phó với những tác động xấu đến nền kinh tế của Covid-19
05/03/2020 08:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ làm người dân hoang mang, lo lắng về vấn đề sức khỏe mà còn đang lan rộng những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến mọi mặt của nền kinh tế. Chủ động các giải pháp ứng phó với những tác động xấu đó đang là vấn đề được quan tâm.
(ảnh minh họa)
Những nỗi lo bên lề “cuộc chiến” chống dịch
Mấy ngày hôm nay, anh Nhữ Đình Nguyên (Hà Đông, Hà Nội) – một lái xe công nghệ liên tục nhận điện thoại giục nợ của nhân viên tín dụng ngân hàng. Từ đầu năm 2019, anh Nguyên có vay ngân hàng một khoản tiền để mua chiếc xe ô tô i10 chạy taxi công nghệ. Trung bình mỗi tháng, anh Nguyên phải trả nợ cả gốc và lãi là 5 triệu đồng. Từ khi vay tiền mua xe đến nay, tháng nào anh cũng trả nợ đúng hạn do việc làm ăn khá thuận lợi, lượng khách được duy trì ổn định. Mỗi tháng, trừ các khoản chi dùng cho gia đình và cá nhân, thanh toán nợ ngân hàng, anh thậm chí còn tiết kiệm được chút ít phòng khi đau ốm. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách sụt giảm. Nhất là những ngày mới phát dịch, người dân hoang mang, hạn chế tối đa việc ra đường, hoặc nếu có việc cần phải di chuyển cũng chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân.
Hàng vạn người đến di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thời điểm tháng giêng năm 2019..
Cánh lái xe taxi, cả truyền thống và công nghệ, hầu như thất nghiệp. Có những ngày anh Nguyên lái xe ra đường, đi lòng vòng hàng tiếng đồng hồ mà điện thoại không đổ cuốc nào, anh Nguyên chán nản ra về. Khoảng 2 tuần nay, cùng với việc kiểm soát dịch tốt từ Chính phủ, người dân đang dần trở lại với nhịp sống bình thường, tuy nhiên lượng khách sử dụng các dịch vụ giao thông vẫn rất thưa vắng. Khách ít, thu nhập giảm, trong khi đó các khoản chi dùng cho gia đình vẫn phải duy trì, thậm chí tăng hơn vì các chi phí cho việc phòng dịch của từng cá nhân, do vậy việc trả nợ ngân hàng bị chậm lại. “Mới chậm có mấy ngày mà bên ngân hàng giục giã suốt chị ạ. Có muốn chậm đâu nhưng không kiếm ra tiền thì biết làm thế nào. Chẳng lẽ bản thân mình và vợ con nhịn đói để trả nợ. Kể ra ngân hàng hiểu được nỗi khổ của người vay mà gia hạn một chút trong lúc dịch bệnh này thì tốt biết bao” – Anh Nguyên than thở. Trước khi tham gia lái xe công nghệ, anh Nguyên có thời gian đi làm Công ty, được tham gia BHXH bắt buộc. Nghỉ việc Công ty, anh tiếp tục đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, đóng hằng quý. May mắn tháng 01 công việc đều anh đã đóng tiền BHXH của cả quý I. Thời gian đóng BHXH tự nguyện quý II/2020 cũng đang cận kề nhưng anh Nguyên không biết tình hình chạy xe có khá hơn không…
Cùng chung nỗi lo như anh Nguyên, anh Bùi Văn Vinh (Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) – một lái xe chuyên chạy tuyến Hà Nội – sân bay Nội Bài cho biết, nếu như trước kia trung bình mỗi ngày anh chạy 08 lượt Hà Nội – Nội Bài, thậm chí có những ngày cao điểm lên tới 12 lượt, thì trong hơn 01 tháng sau Tết, ngày nào may mắn lắm được 04 lượt, có ngày không có lượt nào. Không những thế, mọi năm do nhu cầu đi lễ, du Xuân đầu năm, khách đi tỉnh xếp lịch trước hằng tuần thì năm nay, hầu như không có.
...và cảnh vắng vẻ, đìu hiu năm 2020
Mới cách đây 01 tuần, anh Vinh vừa nhận được 01 chuyến đi Côn Sơn – Kiếp Bạc của gia đình 01 người bạn học cũ. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc vắng vẻ, hầu như không có du khách, anh Vinh tự nhủ, cánh lái xe vẫn còn may mắn hơn. Tất cả các khu dịch vụ thường ngày đông vui tấp nập là thế giờ đìu hiu. Người dân mấy thôn quanh đó vẫn sống nhờ vào việc cung cấp dịch vụ cho khách đến tham quan khu di tích năm nay không có việc làm. Khổ nhất là những gia đình đã chuẩn bị rất nhiều hàng hóa cho mùa du lịch tâm linh đầu năm giờ khốn đốn vì đọng vốn. Nhà nào trường vốn thì đỡ, nhà nào sử dụng vốn đi vay thì đúng là méo mặt. Tuy không bị ngân hàng đòi nợ như anh Nguyên, nhưng anh Vinh cũng rất lo lắng bởi nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, với thu nhập bấp bênh, anh sẽ khó lòng lo nổi cuộc sống gia đình với 02 đứa con đang tuổi ăn học. Dịch bệnh Covid-19 không chỉ đang làm người dân lo lắng cho vấn đề sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội…
Mới đây nhất, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ những tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế trong nước: Dịch Covid-19 tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất. “Có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người”, Thủ tướng nêu thực tế nhưng cũng cho rằng không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của Nhân dân.
Nhiều chuyên gia nhận định dịch Covid-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, bởi tác động của nó là nhiều chiều, lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, vốn FDI thực hiện giảm 5%; Khách quốc tế tăng 4,8% - mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) - mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách - giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch…“Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh”, ông Dũng nói.
Với Ngành BHXH, trước tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ gặp khó khăn do dịch bệnh; công việc và thu nhập của lực lượng lao động tự do - đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện bấp bênh, các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT hay thu BHXH, BHYT, BHTN chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chủ động các giải pháp
Trước tình trạng diễn biến dịch tiếp tục phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho Nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc phòng, chống dịch, bảo vệ nhân dân, đồng thời có các đối sách để kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp-lực lượng giữ vai trò nòng cốt cho nền kinh tế.
Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh những nỗ lực cùng với cộng đồng phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe con người, các doanh nghiệp cũng cần theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh; linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh về hợp đồng và phía đối tác. Điều quan trọng nhất là cẩn trọng, cảnh giác để giảm thiểu tối đa những thiệt hại kinh tế trước những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh COVID-19, trước khi có những hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Chính phủ, các ban, ngành chức năng…
Hiện nay, được biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Cụ thể, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.
Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã sớm ban hành Công văn hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân bảo đảm quyền lợi cho người lao động phải nghỉ việc trong trường hợp phải cách ly hoặc điều trị do nghi nhiễm hoặc nhiễm virut; phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT không may bị nhiễm bệnh... Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng chủ động tham mưu với Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, thực hiện các thủ tục, bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19./.
Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình