Bí thư Đảng ủy xã có duyên với hoạt động an sinh xã hội

03/03/2020 10:09 AM


Rời thành phố Tuy Hòa lúc sáng sớm giữa tiết trời se lạnh, chúng tôi ngược quốc lộ 25 lên huyện Sơn Hòa khi biết tin ở “miền sơn cước ấy” có một nhân tố điển hình tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Thật bất ngờ và thú vị khi tấm gương điển hình đó là ông Cao Xuân Khoa – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Vóc dáng khỏe mạnh, phong thái nhanh nhạy, trên gương mặt phúc hậu là đôi mắt kiên nghị và nụ cười hiền lành, thân thiện. Đó là những cảm nhận khi tiếp xúc với ông Cao Xuân Khoa – một cán bộ 51 tuổi đời, 30 năm tuổi Đảng và đã gắn bó với công tác đoàn thể xã hội, chính quyền, tổ chức cơ sở đảng ở Sơn Nguyên hơn 25 năm.

Rót tách trà nóng mời khách, ông Cao Xuân Khoa trầm tư khá lâu để hồi tưởng một thời gian khó đã qua, rồi chia sẻ: “Hơn 40 năm về trước, Sơn Nguyên là vùng đất hoang hóa, phía triền núi có vài căn nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống du canh du cư. Thời điểm đó, người dân ở phía Nam tỉnh Phú Khánh trước đây chuyển đến nơi này để khai hoang vỡ hóa, xây dựng vùng kinh tế mới. Hàng chục năm đối mặt với nhiều khó khăn thử thách bởi thời tiết khắc nghiệt. Mùa khô nắng gió khốc liệt khiến cho đất đai cằn cỗi, mùa mưa trút nước dầm dề, lũ nguồn cuộn chảy ầm ào trên sông suối, giao thông nội xã chỉ là những con đường mòn nhỏ hẹp; công cụ sản xuất nông nghiệp thô sơ, vật tư hiếm hoi, đời sống người dân chật vật, thiếu thốn, bữa ăn sắn khoai nhiều hơn cơm cùng những cơn sốt rét rừng luôn là nỗi ám ảnh nhiều người…”.

Ông Cao Xuân Khoa vận động và trao sổ BHXH tự nguyện cho người dân

Dừng lại trong chốc lát, ông Cao Xuân Khoa kể tiếp: “Năm 1988 tôi rời Sơn Nguyên nhập ngũ vào quân đội làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia gần 4 năm rồi xuất ngũ trở về làm nông dân gần 3 năm thì tham gia công tác ở xã Sơn Nguyên cho đến nay. Từ công tác đoàn thanh niên đến chính quyền và đảm nhiệm chức trách Bí thư Đảng xã Sơn Nguyên vào năm 2005 đến nay. Có thể nói bằng sức mạnh tổng hòa từ ý Đảng, lòng Dân mà diện mạo xã Sơn Nguyên và nhiều địa phương khác ở Phú Yên đã từng bước đổi mới và phát triển; tạo nên một bức tranh nông thôn - miền núi nhiều gam màu sáng đẹp. Đời sống kinh tế khởi sắc nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế nên nhiều gia đình chưa chủ động quan tâm đến công tác an sinh. Đã có không ít trường hợp khi đến cơ sở y tế cấp cứu và điều trị bệnh nhưng không có BHYT dẫn đến tốn kém chi phí, thậm chí phải vay mượn tiền của người thân để lo cơm thuốc mới thoát bệnh, tệ hại hơn nữa đã có trường hợp phải rời khỏi bệnh viện vì không có tiền điều trị. Cảm thông trước khó khăn một số người bệnh có gia cảnh khó khăn nên chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể – xã hội và các nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ những suất quà nghĩa tình, nhưng đó chỉ là “giải pháp tạm thời”, còn tính an sinh bền vững vẫn là người dân cần chủ động tham gia BHXH, BHYT. Thấu hiểu điều đó nên tôi nghĩ đến trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên cần phải tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ tính nhân văn trong chính sách an sinh xã hội và quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT.

Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020” chính sách BHXH, BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động và nhân dân. Tôi đã tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH; những thay đổi của chính sách BHXH… cũng như việc bám sát những thay đổi này để tổ chức tuyên truyền ở địa phương. Với chức trách Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nguyên, ông Cao Xuân Khoa chủ động trao đổi với tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương về định hướng tuyên truyền phổ biến sâu rộng Luật BHXH, Luật BHYT đến từng cụm dân cư, hộ gia đình. Sau khi tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị cơ sở, ông Cao Xuân Khoa trực tiếp chỉ đạo Đài truyền thanh xã Sơn Nguyên dành thời lượng tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT và các dự án hỗ trợ  BHXH tự nguyện, BHYT đối với hộ gia đình nghèo, cận nghèo; các chi bộ đảng, tổ chức đoàn thể cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh niên và phối hợp trạm y tế ở địa phương tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt chính trị, hội họp, đồng thời liên hệ cơ quan BHXH tiếp nhận pa-nô, tờ rơi để đưa về xã Sơn Nguyên lắp đặt, cấp phát đến từng hộ gia đình để người dân tìm hiểu.

Khi nghe tôi hỏi trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật và an sinh xã hội của một số nông dân ở địa phương còn hạn chế, nên ngoài biện pháp tuyên truyền nêu trên, bí quyết nào đã giúp cho ông thuyết phục được nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT ?. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nguyên chia sẻ: “Tôi đã vận dụng những câu chuyện, sự việc có thật để minh chứng về quyền lợi, hiệu quả chăm sóc sức khỏe đối với những người mua BHYT hộ gia đình. Trong đó, tôi đã dẫn chứng một số trường hợp người dân địa phương lâm bệnh nan y đã và đang điều trị tại các bệnh viện. Những người này phải tốn kém rất nhiều chi phí điều trị cho đến giường bệnh chỉ vì không có BHYT nên thân nhân phải ngược xuôi vay mượn tiền bạc để thanh toán, trong khi người kia chủ động mua BHYT tự nguyện trước khi lâm bệnh nên được BHXH chi trả viện phí”.

Theo hướng dẫn của ông Cao Xuân Khoa, chúng tôi đến thăm ông Trương Đình Phùng, sinh năm 1970, trú ở thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa. Theo tìm hiểu ông Phùng bị bệnh suy thận gần 15 năm qua, mỗi tuần 3 lượt, thân nhân phải đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên để chạy thân nhân tạo, trong khi gia cảnh của bệnh nhân rất khó khăn. Rất may là tấm thẻ BHYT đã trở thành “chiếc phao” góp phần cứu sống sinh mệnh của ông Phùng. Bình quân mỗi lượt chạy thận nhân tạo chi phí 1 triệu đồng thì tính ra mỗi tháng mất 12 triệu đồng và mỗi năm 144 triệu đồng. Nhờ có BHYT nên các khoản chi phí nêu trên đều được cơ quan BHXH chi trả nên ông Phùng không phải thanh toán đồng nào cả. Ông Phùng chia sẻ : “Nếu không có tấm thẻ BHYT, tôi không biết bấu víu vào đâu và cũng không tìm được nơi nào vay mượn tiền để có đủ chi phí mỗi năm cả trăm triệu đồng và nếu có vay mượn được thì cũng khó có khả năng trả nợ. Dẫu biết sinh – lão – bệnh – tử là quy luật tạo hóa nhưng nếu không có tấm thẻ BHYT rất có thể cuộc sống của tôi đã rút ngắn lại. Vì thế, tôi cùng gia đình thật sự cảm ơn tấm thẻ BHYT, cảm ơn chính sách an ninh xã hội của Đảng và Nhà nước”.

Anh Trương Đình Phùng đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa  tỉnh Phú Yên (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Xác định công tác an sinh xã hội là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá sự tiến bộ của một xã hội, một cộng đồng, một quốc gia, trong đó, chính sách BHXH, BHYT là một trong ba chế độ cấu thành hệ thống an sinh xã hội. Với chức trách Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nguyên, ông Cao Xuân Khoa thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của đảng và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về y tế, triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, chính sách BHXH, BHYT. Ông luôn đề cao vai trò của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ông nói: Sau giờ làm việc tôi cùng một vài anh em trong xã thường đến nhà dân thăm hỏi và tư vấn trực tiếp để người dân hiểu rõ về ý nghĩa của sổ BHXH tự nguyện mang lại như: BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động. Bắt đầu từ những anh em đồng đội, cựu chiến binh quen thân của mình để làm gương cho bà con trong xã. Ông mở tủ lấy tấm hình kỷ niệm chụp tại nhà anh Lê Văn Hân sinh năm 1968 ở thôn Nguyên Cam, xã Sơn Nguyên là đồng đội cũ của mình khi tham gia BHXH tự nguyện đưa chúng tôi xem.

Qua những đợt tuyên truyền trực tiếp và tập trung cùng với phương châm “Mưa dầm thắm lâu”  với sự nỗ lực phối hợp hết mình của cán bộ ngành BHXH huyện Sơn Hòa, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tại xã tăng lên rõ rệt. Bằng những hình ảnh sinh động và nhiều câu chuyện cụ thể, ông Cao Xuân Khoa cùng nhiều cán bộ, công chức ở xã Sơn Nguyên đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân về chính sách an sinh xã hội. Nếu như năm 2017, số người tham gia BHYT ở xã Sơn Nguyên chiếm tỷ 63,10% so với dân số thì năm 2018 tăng lên 89,32% và năm 2019 đạt 90,4%. Trong năm 2017 có 12 người tham gia BHXH tự nguyện thì năm 2018 tăng lên 48 người, năm 2019 tăng lên 62 người. Con số BHXH tự nguyện chưa nhiều nhưng đó là một tín hiệu vui về chuyển biến nhận thức của người dân ở xã Sơn Nguyên trong hoạt động an sinh xã hội, mà người đãcó tâm huyết với công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT là Bí thư Đảng ủy Cao Xuân Khoa.  

Rời xã Sơn Nguyên trong tiết trời se lạnh nhưng vẫn ấm áp lòng vì chúng tôi thấu hiểu được tấm chân tình “người cán bộ của dân” - Cao Xuân Khoa: “Đảng ủy, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể – xã hội ở xã Sơn Nguyên tiếp tục nỗ lực vận động nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT trong những năm đến, tạo thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên trong đời sống thường nhật của mỗi gia đình, để họ chủ động đảm bảo an sinh cho chính mình và người thân”.

 

Nguyễn Thị Yến